"Ông lớn" năng lượng Na Uy dừng đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Thanh Thương

(Dân trí) - Sau Orsted, tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy đã quyết định rút khỏi lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Ông Magnus Frantzen Eidsvold, người phát ngôn của Tập đoàn Equinor - "ông lớn" năng lượng Na Uy cho biết công ty đã quyết định ngừng hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng ở TP Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa văn phòng đại diện phụ trách phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở nước ngoài. Trước đó, tập đoàn năng lượng này đã rút khỏi hơn chục quốc gia - nơi họ đầu tư vào các dự án dầu khí để tập trung vào năng lượng tái tạo và phát thải carbon thấp.

Theo người phát ngôn Equinor, công ty quyết định rời khỏi Việt Nam sau khi xem xét danh mục tài sản năng lượng tái tạo. "Gần đây, ngành điện gió ngoài khơi đang phải đối mặt với nhiều trở ngại và chúng tôi cần phải có kế hoạch tiếp cận hợp lý", ông Eidsvold nói.

Trên website, Equinor đánh giá Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở châu Á. Tuy nhiên, 2 giám đốc điều hành ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi dự báo kịch bản tốt nhất Việt Nam chỉ có thể lắp đặt khoảng 1GW công suất điện gió ngoài khơi vào cuối thập kỷ này do các rào cản về quy định.

Năm 2023, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) - doanh nghiệp phát triển điện gió lớn nhất thế giới cũng tuyên bố dừng kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi ở Việt Nam do chính sách liên quan đến triển khai và mua điện bị chậm trễ và không rõ ràng.

Ông lớn năng lượng Na Uy dừng đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam - 1

Equinor là một trong những công ty năng lượng lớn nhất Na Uy (Ảnh: Reuters).

Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án nào được chấp thuận chủ trương và giao chủ đầu tư.

Cuối tháng 7, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có đề xuất ba phương án chọn nhà đầu tư.

Phương án 1 là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là đơn vị thí điểm đầu tư. Phương án 2 là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị được giao thực hiện. Phương án 3 giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương tỏ ra thận trọng trong các phương án chọn nhà đầu tư thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Cơ quan này cho rằng hiện chưa đủ cơ sở và dữ liệu để đánh giá mức độ hiệu quả khi giao PVN, EVN hay Bộ Quốc phòng thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi bởi đây là lĩnh vực mới, liên quan tới quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có một dự án điện gió ngoài khơi nào nên không có kinh nghiệm, chưa lường trước được hết những xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trong việc sử dụng chung không gian biển… 

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng ngày 26/7, PVN cho biết đang triển khai nghiên cứu thực hiện dự án điện gió ngoài khơi và đã được Bộ Tài nguyên Môi trường giao khu vực biển để thực hiện các hoạt động nghiên cứu.

EVN cũng sẵn sàng thực hiện việc nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với PVN, EVN xây dựng, trình đề án thí điểm, trong đó có các dự án thí điểm cụ thể, các nội dung cần phải thực hiện từ khảo sát, chủ trương đầu tư đến thực hiện, hoàn thành, cơ quan thực hiện, thời gian hoàn thành...

Theo Reuters