Việt Nam muốn thành hổ mới châu Á; Thủ tướng hỏi về Vũ “nhôm”

(Dân trí) - “Tôi xin nêu một ví dụ lớn nhất là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ Nhôm ở thành phố Đà Nẵng. Nhà nước được gì?”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công của đất nước. Đây là một trong những phát ngôn và chỉ đạo đáng chú ý của người đứng đầu Chính phủ trong tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhiều chỉ đạo đáng chú ý trong tuần.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhiều chỉ đạo đáng chú ý trong tuần.

Thủ tướng: Bán tài sản cho “Vũ nhôm”, nhà nước được gì?

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính, ngân sách năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 8/1, Thủ tướng đánh giá việc quản lý tài sản công vẫn còn nhiều quan ngại, còn thất thoát lãng phí lớn. Thậm chí còn để nhóm lợi ích đục khoét để hưởng lợi khổng lồ từ tài sản công.

“Tôi xin nêu một ví dụ lớn nhất là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ Nhôm ở thành phố Đà Nẵng. Nhà nước được gì?”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan tài chính xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng tài sản công của quốc gia.

Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề Bộ Tài chính, Cục Quản lý công sản và các địa phương phải xây dựng cơ chế chính sách, tính toán sát sao để sớm khắc phục.

“Việt Nam thành con hổ kinh tế mới của châu Á, tại sao không!?”

Phát biểu tại phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn thừa nhận kinh tế Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức trong trung và dài hạn, trong đó làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là yêu cầu quan trọng nhất thời gian tới.

Đồng thời, phải coi thành tựu năm 2017 là cơ sở tự tin hơn trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và tăng trưởng bền vững, tạo ra nền móng vững chãi hơn để kinh tế tăng trưởng cao và lâu dài.

“Cần biến khát vọng của dân tộc thịnh vượng thành hành động cụ thể, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, phấn đấu trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy”, Thủ tướng nói.

Tiền 100 đồng không phải để giải quyết vấn đề BOT

Chiều 8/1, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN đặt vấn đề: Việc lái xe trả tiền 100 đồng tại một số BOT như thời gian qua có phải thực sự cần tiền mệnh giá 100 đồng không, hay chỉ là cục bộ tại một vài trạm BOT và lái xe gây áp lực với trạm thu phí bằng việc trả tiền lẻ như vậy?

Do đó, đây không phải là thanh toán chính thống, khách quan của cả người lái xe và trạm thu phí. “Ngân hàng Nhà nước không ủng hộ việc sử dụng đồng tiền có tính chất như vừa qua vì không mang tính tích cực”.

Một tài xế sử dụng tiền mệnh giá 100 đồng để thanh toán khi qua BOT Cai Lậy.
Một tài xế sử dụng tiền mệnh giá 100 đồng để thanh toán khi qua BOT Cai Lậy.

Theo vị đại diện NHNN, tiền 100 đồng vẫn còn vai trò trong lưu thông nhưng phải phục vụ nhu cầu thanh toán chính đáng. Còn việc các tài xế sử dụng tiền lẻ gây khó dễ cho các dự án BOT giao thông gần đây không thể chỉ giải quyết bằng tờ tiền 100 đồng mà cần những giải pháp khác.

Bay thẳng tới Mỹ: Vietnam Airlines lo... lỗ nặng!

Trong đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt có định hướng Vietnam Airlines mở mới đường bay thẳng tới Hoa Kỳ vào năm 2018. Trao đổi với Dân Trí, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng này vẫn đang đẩy mạnh nghiên cứu dự án này, nhưng mở đường bay thẳng tới Mỹ trong năm 2018 là không thể. “Mọi thứ vẫn là tương lai, chúng tôi hi vọng đến cuối 2019 hoặc sang năm 2020 sẽ bay được”.

Theo tính toán trước đây, khi mở đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ sẽ phải mất 5 năm mới hòa được vốn và khả năng lỗ ước khoảng 30 triệu USD/năm. Bây giờ phải tìm cách “cắt” lỗ, giảm mức lỗ xuống dưới con số 30 triệu USD/năm.

Đây là đường bay vô cùng cạnh tranh, giá vé thì rất thấp, chi phí lại cao, vì thế khả năng tiến tới hòa vốn và có lãi là rất dài. Để khắc phục được điều này thì phải có rất nhiều biện pháp mà mình phải làm tốt, phải tìm cách hợp tác với các hãng hàng không khác để phối hợp nguồn khách, nguồn hàng...

Về vấn đề máy bay, cho đến giờ Vietnam Airlines vẫn chưa có máy bay nào bay thẳng được tới Mỹ, vì thế mọi thứ hiện vẫn chưa khả thi.

Phát hiện nhiều vi phạm tại Công ty ông Hạnh Nguyễn

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Bên cạnh việc vạch ra nhiều sai phạm của ACV trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản; sử dụng đất và cổ phần hóa, thoái vốn… Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ các vi phạm của SASCO – công ty con của ACV giai đoạn 2005-2015.

Ộng Hạnh Nguyễn hiện đang là Chủ tịch của SASCO.
Ộng Hạnh Nguyễn hiện đang là Chủ tịch của SASCO.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty SASCO kể từ ngày 20/4/2017. Vợ ông Hạnh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, hiện giữ chức vụ Tổng giám đốc Cty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group), cũng là thành viên HĐQT SASCO kể từ cuối năm 2014 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa.

Hiện tại, nhóm các công ty liên quan đến vợ chồng ông Hạnh Nguyễn (gồm IPP Group, ACFC, DAFC) sở hữu tổng cộng 43,7% cổ phần của SASCO. Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vẫn là cổ đông lớn nhất sở hữu 49,8% cổ phần.

“Sếp” ngân hàng nhận lương 300 triệu đồng mỗi tháng

Báo cáo dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam của Navigos Search cho hay, trong quý IV, mức lương cao nhất đang thuộc về một vị trí quản lý cấp cao trong một ngân hàng với mức lương gần 300 triệu đồng/tháng.

Trong quý IV này, các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao được nhận mức lương cao từ 100 triệu đến 190 triệu/tháng, thuộc các lĩnh vực từ sản xuất, tài chính – ngân hàng, hàng tiêu dùng – bán lẻ và dịch vụ ...

Hàng loạt tài xế "đình công", phản đối chính sách mới của hãng Grab

Ngày 10/1, nhiều tài xế chạy xe ôm công nghệ Grabbike tại TPHCM đã tập trung tại nhiều điểm rồi kéo về trụ sở của hãng Grab trên đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 để phản đối.

Tài xế Grab tại TPHCM đình công phản đối chính sách chiết khấu
Tài xế Grab tại TPHCM đình công phản đối chính sách chiết khấu

Các tài xế cho biết, việc phản đối xuất phát từ việc mức chiết khấu của Grab tăng từ 20% lên 23,6% và hãng này cũng thu thuế đối với những tài xế có thu nhập từ 8,3 triệu đồng/tháng trở lên.

Theo đại diện của hãng Grab, việc tăng 3,6% là phần thuế thu nhập cá nhân Grab thu hộ và đóng hộ cho đối tác theo yêu cầu của ngành thuế. Đó không phải là tăng chiết khấu. Trong 2 năm qua, Grab đã hỗ trợ đối tác bằng việc sử dụng ngân sách công ty để đóng giùm khoản này.

“Nếu tài xế có mức doanh thu và khoản hỗ trợ đạt mức 8,3 triệu đồng/tháng, Grab sẽ tiến hành thu và nộp ngân sách Nhà nước. Còn ngược lại, nếu tài xế chưa đạt doanh thu 8,3 triệu đồng/tháng thì tài xế sẽ được hoàn trả lại số tiền thuế đã tạm thu vào ngày mùng 10 của tháng tiếp theo”, đại diện hãng Grab nói.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ GTVT vừa yêu cầu Công ty GrabTaxi Việt Nam không được triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng (hợp đồng điện tử) trên địa bàn ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng.

Bích Diệp

Việt Nam muốn thành hổ mới châu Á; Thủ tướng hỏi về Vũ “nhôm” - 5