Ngân hàng Nhà nước: Tiền 100 đồng không phải để giải quyết vấn đề BOT

(Dân trí) - Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, việc trả tiền lẻ 100 đồng tại một số trạm BOT thời gian qua không phải là thanh toán khách quan, mà mang tính chất không tích cực nên NHNN không ủng hộ.

Tại buổi họp báo về việc đảm bảo tiền mặt và an toàn, thông suốt hoạt động thanh toán trong dịp Tết Nguyên đán năm 2018 diễn ra chiều nay 8/1, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, NHNN điều chuyển loại tiền mệnh giá nhỏ về các địa phương là đáp ứng nhu cầu hợp lý và tiết kiệm.

Phó Thống đốc đặt vấn đề: Việc lái xe trả tiền 100 đồng tại một số BOT như thời gian qua có phải thực sự cần tiền mệnh giá 100 đồng không, hay chỉ là cục bộ tại một vài trạm BOT và lái xe gây áp lực với trạm thu phí bằng việc trả tiền lẻ như vậy?

Do đó, theo ông Tú, đây không phải là thanh toán chính thống, khách quan của cả người lái xe và trạm thu phí. “Ngân hàng Nhà nước không ủng hộ việc sử dụng đồng tiền có tính chất như vừa qua vì không mang tính tích cực”, Phó Thống đốc khẳng định.


Tài xế BOT Cai Lậy dùng tiền 100 đồng để đóng phí (ảnh minh họa).

Tài xế BOT Cai Lậy dùng tiền 100 đồng để đóng phí (ảnh minh họa).

Cũng theo vị đại diện NHNN, tiền 100 đồng vẫn còn vai trò trong lưu thông nhưng phải phục vụ nhu cầu thanh toán chính đáng. Còn việc các tài xế sử dụng tiền lẻ gây khó dễ cho các dự án BOT giao thông gần đây không thể chỉ giải quyết bằng tờ tiền 100 đồng mà cần những giải pháp khác.

Về nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt dịp Tết.

Thời gian qua, NHNN đã có sự điều chuyển tiền đầy đủ ở 63 tỉnh, thành phố, đủ cơ cấu tiền mặt, từ đồng tiền nhỏ đến mệnh giá 500.000 đồng đều đáp ứng đủ, mệnh giá nào có nhu cầu nhiều thì ngân hàng đưa ra nhiều, cần ít thì đưa ít chứ không phải là không đưa ra lưu thông. Nếu nền kinh tế cần thiết, NHNN vẫn đưa ra lưu thông tiền mệnh giá hợp pháp.

NHNN dự kiến mức điều chuyển tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán 2018 sẽ tăng 20% so với cùng kỳ. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu này, NHNN cho biết việc điều chuyển tiền mặt về các địa phương sẽ kết thúc trước ngày 17/2.

“NHNN vẫn in đầy đủ tiền lẻ và tiền từ 10.000 đồng trở lên, loại nào cần nhiều thì in nhiều, cần ít in ít, chứ không in phục vụ nhu cầu đem tiền đi lễ chùa, phản văn hóa. NHNN vẫn đưa tiền lẻ ra lưu thông nhưng không đưa ra lưu thông thông tin lẻ mới dịp Tết”, ông Đào Minh Tú nói.

Còn theo ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ cho biết: Năm nay, NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán.

Theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến gần 2.200 tỷ đồng.

NHNN thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết Nguyên đán theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Hiền

Ngân hàng Nhà nước: Tiền 100 đồng không phải để giải quyết vấn đề BOT - 2