1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam gia nhập TPP: Công nghệ trong nước sẽ không 'chết'

Trước lo ngại các công nghệ nội địa Việt Nam có nguy cơ bị đè bẹp khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, nói rằng, đây là thời điểm chúng ta phải cấu trúc lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm trọng điểm, tập trung lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam vốn ưa chuộng công nghệ nước ngoài nên sau khi TPP có hiệu lực, công nghệ Việt Nam có thể phải đương đầu làn sóng công nghệ mới, công nghệ cao của nước ngoài. Trong điều kiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận công nghệ mới với giá rẻ hơn. Đây là thách thức lớn với các công nghệ nội địa.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những công nghệ nội địa được doanh nghiệp quan tâm, lựa chọn vì phù hợp sản phẩm đặc thù của Việt Nam. Ông Quân lấy ví dụ, Mỹ chỉ có một loại cá da trơn, trong khi Việt Nam có nhiều loại như cá tra, cá basa. Công nghệ bảo quản chế biến sẽ là công nghệ nội địa của Việt Nam. Hay như lúa gạo, lúa gạo của Mỹ khác với lúa gạo Việt Nam. Chúng ta có nhiều giống lúa đặc sản, có thể sử dụng công nghệ nội địa để bảo quản.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trước áp lực cạnh tranh của TPP, ngành KHCN Việt Nam sẽ phải điều chỉnh lĩnh vực nghiên cứu, tập trung vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, chương trình sản phẩm quốc gia… để phù hợp với yêu cầu mới”, ông Quân nói.

Theo Nguyễn Hoài

Tiền phong

Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP