Việt Nam đứng thứ 4 châu Á về năng suất lao động bất động sản
(Dân trí) - Năng suất lao động ngành bất động sản, dịch vụ văn phòng của Việt Nam đứng thứ 4 châu Á chỉ sau các nền kinh tế như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và nhỉnh hơn cả Thái Lan.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra số liệu của điều tra năng suất lao động Việt Nam dựa trên con số của Tổ chức Năng suất châu Á (APO). Theo đó, VEPR khẳng định: Tốc độ tăng trưởng bình quân năng suất lao động giai đoạn 2012-2017 đạt 5,3% một năm. Cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP): Mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp khi so sánh với năng suất lao động bình quân của các nhóm quốc gia phân chia theo thu nhập.
Năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam gấp 2 lần năng suất lao động trung bình của nhóm nước thu nhập thấp, bằng hơn 50% nhóm nước thu nhập trung bình thấp và bằng 18,3% nhóm các nước thu nhập trung bình cao.
Giai đoạn 2008 - 2016, các ngành kinh tế vẫn duy trì năng suất lao động ở mức cao là ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí, nước nóng, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất lao động chưa cao. Còn ngành nông lâm và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế.
Tuy nhiên, đột phá lớn nhất của năng suất lao động Việt Nam là các ngành: Bất động sản và dịch vụ văn phòng; Khai mỏ và khai khoáng; Dịch vụ cộng đồng xã hội, cá nhân.
Năng suất lao động của các nhóm ngành trên Việt Nam đứng 4 trong các nền kinh tế ở châu Á, đứng sau Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc, xếp trên cả Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia.
Tuy nhiên, các nhóm ngành công nghiệp, chế biến chế tạo; Xây dựng; Vận tải và kho bãi có năng suất lao động thấp nhất, xếp sau cả Campuchia.
Năng suất lao động ở nhóm ngành Nông nghiệp; Bán buôn bán lẻ, điện nước, khí đốt chỉ cao hơn Campuchia và thấp nhất các nhóm nước còn lại.
PGS,TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng: "Nếu Việt Nam có thể mở rộng thị trường quốc tế nhanh hơn nữa cho các ngành có năng suất lao động cao thì hiệu ứng này sẽ bớt ảnh hưởng, giống như trường hợp của Trung Quốc".
An Linh