Việt Nam đón chờ Forbes xếp hạng tỷ phú USD tiếp theo?
(Dân trí) - Trong danh sách các tỷ phú USD thế giới của Forbes đã ghi nhận 4 doanh nhân người Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu căn cứ trên tài sản thì vị trí tỷ phú người Việt tiếp theo không khó đoán, nhưng nếu căn cứ trên mong muốn, mục tiêu cá nhân thì người được Forbes xướng tên tiếp theo lại là ẩn số thú vị.
Tài sản các tỷ phú cũ không ngừng tăng
Trong bảng xếp hạng tỷ phú USD năm 2018 được tạp chí Forbes (Mỹ) công bố hồi đầu năm ghi nhận Việt Nam có thêm 2 gương mặt mới.
Bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo thì ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Ôtô Trường Hải và ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng có tên trong danh sách tỷ phú USD năm 2018 của Forbes.
Theo đó đứng ở vị trí thứ 1.339, với khối tài sản 1,8 tỷ USD là ông Trần Bá Dương, người sáng lập và đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (THACO).
Đến năm 2015, Trường Hải đã có 137 showroom trên toàn quốc và doanh số phát triển mạnh và 1 năm sau đó công ty đã trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lên đến 32%.
Ở vị trí thứ 1.756, với khối tài sản vào khoảng 1,33 tỷ USD là ông Trần Đình Long, người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hòa Phát. Ông Long được ghi nhận là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trước đó ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo là hai tỷ phú Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách tỉ phú được Forbes công bố.
Forbes cho biết, ông Phạm Nhật Vượng là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn Vingroup - một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tính đến tháng 3/2018, Forbes ghi nhận tài sản của ông Vương tăng lên 4,3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2017.
Forbes ghi nhận bà Nguyễn Thị Phương Thảo người sáng lập kiêm Chủ tịch Sovico Holdings. Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang trực tiếp sở hữu 28,2 triệu cổ phiếu VJC của Vietjet Air và gián tiếp sở hữu 92,1 triệu cổ phiếu VJC Ngoài ra, bà Thảo còn sở hữu gần 40 triệu cổ phiếu HDB của HDBank.
So với năm ngoái, khối tài sản của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet đã tăng từ 1,2 tỷ lên thành 3,1 tỷ USD.
So với thời điểm tháng 3, hiện danh sách tỷ phú USD Việt Nam không ghi nhận ông Trần Đình Long. Nguyên nhân do giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm mạnh vào tháng 6 và 7 vừa qua.
Tỷ phú Fobes tiếp theo của Việt Nam là ai?
Việc các doanh nhân có tên trong bảng danh sách những tỷ phú giàu nhất hành tinh của Forbes là điều đáng mừng của doanh nghiệp Việt Nam. Việc ai sẽ là tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam luôn được dư luận quan tâm.
Đầu năm 2018, những người mà được nhiều dự đoán sẽ lọt vào xếp hạng Forbes như ông Trần Bá Dương, ông Trần Đình Long sau đó đã được Forbes chính thức vinh danh.
Trong số doanh nhân Việt Nam, có vài cái tên được đồn đoán sở hữu khối tài sản trị giá tỷ USD như Nguyễn Đăng Quang (Masan) hay Trần Quí Thanh (Tân Hiệp Phát)…
Trong khi trường hợp của ông Nguyễn Đăng Quang khá dễ đoán vì các doanh nghiệp của ông này đều đã cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán thì trường hợp của ông Trần Quí Thanh lại là ẩn số thú vị.
Ông Thanh có quá trình kinh doanh từ việc tạo lập thương hiệu bia Bến Thành, bia tươi Laser và đến hiện nay đang đầu tư vào ngành nước giải khát. Tân Hiệp Phát là một mô hình kinh tế khá đặc biệt - một doanh nghiệp gia đình, không có cổ phần từ bên ngoài, không huy động vốn từ sàn chứng khoán. Nhiều thông tin về kinh doanh cũng như tài sản vì thế không được công khai.
Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong ngành nước giải khát có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp FDI như Coca-Cola, Pepsi. Từ năm 2014, Tân Hiệp Phát đã đạt gần 7.000 tỷ đồng doanh thu. Với con số này, Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp tư nhân có doanh thu lớn nhất Việt Nam.
Tổng lợi nhuận doanh nghiệp này liên tục tăng lên. Lợi nhuận trước thuế từ mức hơn 900 tỷ đồng năm 2014 đã tăng gấp đôi lên 1.840 tỷ đồng vào năm 2017.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu năm 2017 của nhóm Tân Hiệp Phát đạt 22% - xếp trên nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành thực phẩm - đồ uống như Habeco, Masan Consumer, Vinacafe Biên Hòa...
Cách đây vài năm, Wall Street Journal của Mỹ từng đề cập đến kế hoạch Tân Hiệp Phát dự định bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để nâng giá trị công ty lên mức 2,5 tỷ USD.
Với việc dự kiến bán một tỷ lệ cổ phần thiểu số và được định giá lên đến 2 tỷ USD, tức Tân Hiệp Phát đã có giá trị ít nhất 1 tỷ USD từ vài năm trước.
Tài sản của gia đình ông Thanh còn gây chú ý ở việc bị mất các sổ tiết kiệm trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng (gần 300 triệu USD) gửi ở Ngân hàng Xây dựng vào năm 2016, trong vụ biển thủ của siêu lừa Phạm Công Danh.
Trong khi đó ông Trần Quí Thanh và các thành viên trong gia đình, gồm vợ là bà Phạm Thị Nụ cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích sở hữu 100% cổ phần của các công ty trong hệ thống cũng như nắm giữ các vị trí điều hành chủ chốt.
Với việc sở hữu 100% cổ phần, việc ông Trần Quý Thanh có tên trong danh sách tỷ phú USD của Forbes là dự đoán có cơ sở.
Vấn đề còn lại là ông Thanh có sẵn lòng cung cấp đủ thông tin cho tổ chức xếp hạng danh tiếng Forbes hay không?
Forbes là tổ chức xếp hạng tỷ phú uy tín nhất thế giới, nơi đã xếp hạng tỷ phú cho các doanh nhân, trong đó có Phạm Nhật Vượng, Phạm Phương Thảo, Trần Bá Dương, Trần Đình Long.
Trong một diễn biến đáng chú ý, bà Trần Uyên Phương (con gái ông Thanh) đang có mặt tại trụ sở Forbes, Hoa Kỳ.
Bà Phương thường đảm nhận luôn công việc phiên dịch, giao tiếp, thu xếp các cuộc gặp cho ông Trần Quí Thanh trong các thương vụ làm ăn ở nước ngoài.
Hình ảnh về các buổi làm việc của bà tại Forbes đã rò rỉ trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông nước ngoài, cùng nhiều đồn đoán về việc Việt Nam sẽ có thêm tỷ phú mới.
Đinh Linh