1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam đối mặt với sự suy giảm dòng vốn FDI và kiều hối

(Dân trí) - Thâm hụt thương mại của Việt Nam cải thiện đáng kể, nhưng năm 2009 vẫn phải chứng kiến sự suy giảm của dòng vốn FDI và kiều hối. Lạm phát không còn là mối lo ngại, việc điều chỉnh mạnh giá thực phẩm và năng lượng sẽ giúp giảm lạm phát trong những tháng tới.

Không còn lo ngại lạm phát

Theo ông Tai Hui, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á của Standard Chartered: Tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong năm 2008 của Việt Nam đã giảm đi 2 con số vào đầu năm 2009, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn do môi trường kinh doanh đang suy yếu. Mục tiêu tăng trưởng chính thức của Việt Nam ở mức 6,5% được xem là “quá tham vọng” trong bối cảnh hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cắt giảm mạnh lãi suất cơ bản để kích cầu tín dụng, còn Chính phủ tuyên bố hoãn thực thi thuế thu nhập cá nhân song song với hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ cũng sẽ dành nhiều kinh phí hơn cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở và các công trình công cộng.
 
“Mặc dù thâm hụt thương mại của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm 2008 nhưng 2009 vẫn sẽ chứng kiến sự suy giảm của dòng vốn FDI và lượng kiều hối. Lạm phát không còn là mối lo ngại, với việc điều chỉnh mạnh giá thực phẩm và năng lượng sẽ giúp giảm lạm phát trong những tháng tới”, ông Tai Hui nói.
 
Cũng theo đánh giá của vị chuyên gia này, đồng Việt Nam đã mất giá 9,2% so với USD trong năm 2008, từ mức 16.000 VND/ 1 USD lên 17.500 VND/ 1 USD. Việc lãi suất cao và thâm hụt thương mại đang dần thu hẹp đã giúp bình ổn thị trường và tránh được một cuộc khủng hoảng tiền tệ.
 
Tuy nhiên, sức ép của đồng nội tệ mất giá đã quay lại vào cuối năm 2008 khi hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh và đến quý 4 các nhà quản lý đã quyết định thực thi một vài biện pháp để ngăn sự mất giá của đồng nội tệ; bao gồm việc nới rộng biên độ tỉ giá giao dịch hàng ngày giữa đồng USD - VND và sự mất giá hàng ngày của đồng Việt Nam ấn định là 3% vào ngày 25/12/2008.
 
Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á của Standard Chartered nhấn mạnh: “Các nhà quản lý cam kết duy trì ổn định đồng nội tệ trong năm 2009, chúng tôi cho rằng họ quan tâm tới niềm tin của công chúng đối với đồng Việt Nam, đặc biệt qua động thái cắt giảm lãi suất của NHNN.
 
Điều này có nghĩa là, việc mất giá của đồng nội tệ ở một số quốc gia khác trong khu vực và nhu cầu xuất khẩu tụt giảm có thể sẽ tạo áp lực lên đồng nội tệ. Lạm phát suy giảm sẽ cho phép NHNN thả lỏng đồng Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu”.
 
Với nền kinh tế 90 tỷ USD, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế “tăng trưởng kỳ diệu của khu vực châu Á” cho đến giữa năm 2008 do lạm phát và thâm hụt thương mại tăng cao. Mặc dù tin tốt là cả hai vấn đề này hiện không còn đe dọa nghiêm trọng tới nền kinh tế, song theo ông Tai Hui, sự e ngại của những nhà đầu tư nước ngoài cho thấy dòng vốn vào thị trường tài chính Việt Nam dự đoán sẽ duy trì ở mức khiêm tốn trong tương lai gần.
 
Sự suy thoái của kinh tế toàn cầu và giá cả hàng hóa bình ổn trong 6 tháng vừa qua có thể làm hoạt động xuất khẩu của Việt Nam suy giảm trong suốt năm 2009.
 
Cùng với xuất khẩu, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho nhiều dự án FDI, với dòng vốn FDI thực trong năm 2008 là 11 tỷ USD và 64 tỷ USD được các nhà đầu tư nước ngoài cam kết. Tuy nhiên cả hai con số này đều sẽ suy giảm đáng kể trong năm 2009.
 
Quan tâm tới đầu tư dài hạn ở Việt Nam
 
Mặc dù chúng ta có thể chứng kiến sự suy giảm của dòng vốn FDI trong thời gian tới nhưng các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới vẫn rất quan tâm tới đầu tư dài hạn ở Việt Nam.
 
Chính trị ổn định, chi phí nhân công thấp, sự phân bổ rủi ro liên hệ tới chế độ bảo hộ nền công nghiệp trong nước so với Trung Quốc, thị trường nội địa lớn (với dân số 80 triệu người) là những điểm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.
 
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp châu Á, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã đầu tư lớn vào Việt Nam. “Chúng tôi dự đoán trong tương lai các doanh nghiệp phương Tây cũng sẽ tích cực đầu tư vào Việt Nam.
 
Yếu tố cốt lõi để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài là Việt Nam đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng tập trung vào cung cấp năng lượng, giao thông vận tải và viễn thông”, ông Tai Hui nói.
 
Việt Nam đứng thứ 92/181 quốc gia trong Bảng Khảo sát Hoạt động Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). Những thuận lợi trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam là khả năng tiếp cận các khoản vay tín dụng, xin giấy phép xây dựng và giao dịch thương mại.
 
Tuy nhiên, “thiếu các chính sách bảo vệ nhà đầu tư, quan liêu trong chính sách thuế, việc mở cửa và đóng cửa doanh nghiệp còn nhiều phức tạp” là những hạn chế đối với hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
 
Do đó, Standard Chartered dự đoán, GDP Việt Nam năm 2009 sẽ ở mức 4,2% và thâm hụt thương mại khoảng 10 tỷ USD.
 
An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm