Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công thu hút FDI

Hà Phong

(Dân trí) - Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện...

Tại tọa đàm chủ đề doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 27/4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong thời gian qua, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI là rất lớn. Cho đến nay, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như là năng lượng tái tạo, hay là đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh.

"Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt mức độ tăng trưởng khá cao, tức là 10-13%. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt", ông Tuấn nêu.

Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công thu hút FDI - 1

Doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Theo ông Tuấn, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh. Nếu trước đây các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn thách thức thì bây giờ, các doanh nghiệp đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh của mình, góp phần nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của mình.

Về khó khăn, thách thức của doanh nghiệp FDI, ông Tuấn cho rằng, khó khăn đối với doanh nghiệp FDI xuất phát từ nhiều khía cạnh. Không chỉ khó khăn đối với doanh nghiệp FDI đâu mà còn khó khăn với doanh nghiệp trong nước.

"Tôi đánh giá là khó khăn với doanh nghiệp trong nước nhiều hơn. Những khó khăn này có phần liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong việc tạo cơ chế chính sách, tạo môi trường khuyến khích, phát triển, nuôi dưỡng đầu tư sản xuất, kinh doanh phục vụ cho mục tiêu phát triển xanh", ông Tuấn nêu.

Đối với khó khăn này, theo ông Tuấn, trong suốt thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu trình Chính phủ cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để dần hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ phát triển xanh.

"Hiện nay có một xu thế tôi nghĩ sẽ đóng vai trò chủ đạo. Đó là đầu tư ảnh hưởng. Ở đây không phải đầu tư, mục đích chính là lợi ích kinh tế mà mang lại lợi ích tổng thể, kể cả về môi trường xã hội. Đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, cái quan trọng đầu tiên là thay đổi nhận thức", ông Tuấn nêu.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, khó khăn liên quan đến nguồn lực và công nghệ. Tiếp đó, khó khăn đối với các doanh nghiệp là nguồn nhân lực.

Cũng tại tọa đàm này, ông Chris Hogg - Phó Chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé, cũng thấy là hành trình tới sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta có sự quyết tâm từ phía Việt Nam.