Bất động sản Uông Bí hưởng lợi từ "sóng" FDI

Trường Thịnh

(Dân trí) - Khu kinh tế ven biển Quảng Yên - Uông Bí được định hướng trở thành trung tâm thương mại tài chính đẳng cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong tầm nhìn 2050, tác động tích cực đến bất động sản Uông Bí.

Sự tăng trưởng thần kỳ của những khu kinh tế biển nổi tiếng thế giới

Những câu chuyện xây dựng Khu kinh tế ven biển thành công trên thế giới đã cho thấy, mô hình thu hút đầu tư phổ biến này đã giúp nhiều vùng đất làm nên cuộc đổi đời ngoạn mục. Hầu hết các Khu kinh tế ven biển trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, kinh doanh dịch vụ và du lịch đẳng cấp thế giới, tạo nên một khu vực động lực kinh tế cho mỗi quốc gia, "hô biến" những vùng đất trước đó lạc hậu, kém phát triển thành khu vực văn minh, hiện đại, giàu có, năng động. Có thể kể đến như Thành phố Rotterdam, Hà Lan - Khu kinh tế ven biển lớn nhất Châu Âu; Singapore - nước điển hình và thành công với kinh tế biển tại Đông Nam Á; hay Trung Quốc với 2 thành phố Thâm Quyến và Thượng Hải…

Các khu kinh tế biển đã và đang mang lại cho các quốc gia có chiến lược bài bản với tầm nhìn dài hạn, lợi ích lớn. Theo báo cáo The EU Blue Economy Report 2020, kinh tế biển mang lại cho Liên minh Châu Âu 218 tỷ Euro tăng trưởng giá trị gia tăng (GVA) với lợi nhuận là 94 tỷ Euro (số liệu 2018). Còn với Mỹ, báo cáo năm 2020 (số liệu 2017) của Tổ chức quản trị đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA), kinh tế biển mang lại cho Mỹ 318 tỷ USD trong GDP.

Bất động sản Uông Bí hưởng lợi từ sóng FDI - 1
Thành phố Rotterdam, Hà Lan - Khu kinh tế ven biển lớn nhất Châu Âu (Ảnh: Pinterest.)
Bất động sản Uông Bí hưởng lợi từ sóng FDI - 2
Singapore "hóa rồng" nhờ phát triển khu kinh tế ven biển ( Ảnh: Shutterstock).

Nghị quyết 36 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước, chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn trung bình cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam "trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước".

Vùng kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng và miền Bắc sẽ tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và khu dịch vụ cảng biển, công nghiệp. Đây hứa hẹn sẽ là mũi nhọn trọng điểm thu hút hàng các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đến phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, đẩy mạnh phát triển giao thương, sản xuất.

Theo Brand Finance (Anh), hãng chuyên định giá thương hiệu quốc tế, trong năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019 - mức tăng nhanh nhất thế giới. Nhờ đó, giá trị thương hiệu Việt Nam đã tăng 9 bậc so với cùng kỳ và đạt thứ hạng 33 trên thế giới. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế ven biển trong thu hút đầu tư của các nền kinh tế thế giới vào Việt Nam cũng như các thành phố ven biển khác.

Khu kinh tế ven biển Uông Bí - Quảng Yên hướng tới trở thành khu kinh tế biển hàng đầu Châu Á

Khu kinh tế ven biển Uông Bí - Quảng Yên sẽ được xây dựng và phát triển thành khu kinh tế ven biển đa ngành giai đoạn 2020 - 2035, hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại thông minh của tỉnh Quảng Ninh và khu vực đồng bằng sông Hồng.

Khu kinh tế có tổng diện tích 13.303 ha và được quy hoạch làm 2 phân khu chính gồm khu phức hợp đô thị, công nghiệp công nghệ cao có diện tích 6.403 ha thuộc 5 phường của thành phố Uông Bí (bao gồm Quang Trung, Trưng Vương, Phương Nam, Phương Đông, Yên Thanh) và 8 phường, xã của thị xã Quảng Yên bao gồm Đông Mai, Minh Thành, Sông Khoai, Cộng Hòa, Hiệp Hòa, Yên Giang, Tân An và Hoàng Tân.

Bất động sản Uông Bí hưởng lợi từ sóng FDI - 3
Khu kinh tế ven biển Quảng Yên hướng tới là cửa ngõ giao thương của châu Á (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Trong giai đoạn 2020-2025, ngoài nguồn lực đầu tư công, Quảng Ninh cũng thu hút được hàng loạt tên tuổi lớn trong các lĩnh vực đầu tư khu kinh tế ven biển Quảng Yên - Uông Bí.

Năm 2020, tập đoàn Vingroup được công nhận là nhà đầu tư dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long xanh ngay tại thị xã Quảng Yên và thành phố Hạ Long. Dự án được khởi công từ năm 2021 và trong vòng 10 năm, Vingroup sẽ rót vào đây 10 tỷ USD hoàn thiện dự án thành một khu đa chức năng, du lịch nghỉ dưỡng với chuỗi tiện ích khép kín.

Khu kinh tế ven biển Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh là điểm dừng chân tiếp theo của Tập đoàn Amata (Thái Lan) để xây dựng nên những thành phố công nghiệp - đô thị thông minh. Amata sẽ đầu tư gần 2 tỷ USD cho Dự án Amata Smart City 1.720 ha tại Quảng Ninh.

Jinko Solar Hong Kong, một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn và tiên tiến trên thế giới, đã đến khu kinh tế ven biển Quảng Yên - Uông Bí vào tháng 11/2020 và quyết định đầu tư 500 triệu USD ngay đầu năm 2021.

Trước đó, Tập đoàn Foxconn cũng đã đầu tư vào Khu công nghiệp Đông Mai tại thị xã Quảng Yên và hiện đã đi vào sản xuất ổn định. Nhà đầu tư này còn đang có kế hoạch mở rộng quy mô dự án để nâng công suất hoạt động của nhà máy.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, dòng vốn hàng chục tỷ đô đã chảy vào khu kinh tế ven biển của vùng đất mỏ. Sự đồng bộ về hạ tầng cùng chiến lược kinh tế bài bản tại khu kinh tế ven biển Uông Bí - Quảng Yên sẽ giúp vùng đất này trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, khu vực đồng bằng sông Hồng và hướng tới là cửa ngõ giao thương của châu Á.

Đón đầu đà tăng trưởng về kinh tế cùng những công trình giao thông nghìn tỷ đang được hoàn thiện, Khu đô thị Xuân Lâm Riverside sở hữu vị trí đắc địa tại tâm phát triển thành phố Uông Bí, hứa hẹn tiềm năng tăng giá, gia tăng giá trị tài sản cho chủ nhân. Đây được coi là thời cơ để các nhà đầu tư có thể cân nhắc "xuống tiền", đem lại lợi nhuận và nguồn sinh lời.