1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam cũng có thế mạnh, sao lại “lệ thuộc” kinh tế Trung Quốc?

(Dân trí) - “Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có yếu kém mà còn có thế mạnh, vậy vì sao lại trở nên lệ thuộc?”, đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi và cho rằng, sự “lệ thuộc” này diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và nhiệm vụ năm 2015, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng: Thành tựu nói chung và thành tựu kinh tế - xã hội năm 2014 nói riêng rất lớn lao, trong đó, “cú đấm 981 của Trung Quốc đã được hóa giải, tuy ai cũng biết là còn nhiều chiêu trò nữa đang được chuẩn bị, chúng ta vẫn tăng trưởng dương trên 5%, tài chính ngân hàng giữ được ổn định an ninh, chính trị, an toàn xã hội cơ bản được giữ vững”.

Theo đánh giá của đại biểu, công lao lớn nhất thuộc về 90 triệu nhân dân, công nhân, nông dân, cán bộ, chiến sỹ. Chúng ta đang bàn kế hoạch kinh tế - xã hội 2014 - 2015 nhưng khác với nhiều quốc gia, để giải quyết những vấn đề đặt ra của Việt Nam phải chỉ ra thực trạng, nguyên nhân ít nhất của 10 năm qua và hướng đi của 10 năm tới.

Khác với ý kiến một số đại biểu là các chuyên gia kinh tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ thái độ “không tin là 2015 - 2016 sẽ có chuyển biến gì mạnh mẽ. Vì chúng ta chưa thoát khỏi mô hình và phương thức tăng trưởng cũ và những gì phải nỗ lực thực sự trong 5 - 10 năm mới có thể đạt thì chúng ta không thể đạt được ngay trong 1 - 2 năm. Chúng ta vẫn đang chạy trên đường ray cũ về hướng cũ, làm sao nhìn thấy được chân trời mới?".

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM).

Dẫn nhận xét của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, ông Nghĩa nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam không thể bay cao, vì đôi cánh của nó bị đeo quá nhiều gánh nặng. Những gánh nặng này nhiều năm qua không cởi bỏ được, chẳng những nó làm cho chúng ta không bay được cao, nhanh mà còn chệch hướng. Ví dụ như xuất khẩu đứng trong top 10, top 5, thậm chí nhất nhì thế giới, nhưng suốt 2 thập kỷ vẫn gia công với lao động giá rẻ, xuất khẩu tài nguyên, giá trị gia tăng thấp, nhập khẩu đến 70, 80% linh kiện, nguyên liệu, phụ liệu, nhập khẩu hàng tiêu dùng rẻ tiển, thậm chí nông sản, lương thực và nguyên liệu, năng xuất lao động thấp.

“Hai thập kỷ qua, cách phát triển kinh tế Việt Nam có 3 cái hao không khắc phục được. Một là rất hao vốn, hai là rất hao ngoại tệ và ba là rất hao tài nguyên môi trường. Tham nhũng tràn lan ở các cấp độ, nợ công, nợ xất chồng chất, đầu tư công dàn trải, lãng phí và thất thoát. Kinh tế nhà nước chiếm giữ nhiều tài sản lớn được ưu tiên phân bổ nguồn lực nhưng hiệu quả kém. Tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông là những nhân tai dai dẳng làm thiệt hại sức người, sức của rất lớn”, đại biểu Nghĩa thẳng thắn nói.

Đặc biệt, theo đại biểu: “Một trong những nguy cơ mới từ 10 năm qua đó là sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Tôi dùng chữ “lệ thuộc” theo nghĩa là muốn dứt ra mà không dứt được, biết không tốt không hay nhưng vẫn phải tiếp tục. Sự lệ thuộc này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, lệ thuộc về xuất nhập khẩu, về nguyên phụ liệu, về đấu thầu thi công, về năng lượng, về viễn thông, về khai thác khoáng sản, về trang thiết bị, về công nghệ, về nhân công, về hàng tiêu dùng”.

Đại biểu Nghĩa cho biết: Tại kỳ họp 7, đại biểu có chất vấn về sự lệ thuộc về tài chính thì được trả lời là không đáng kể. Nhưng một số cử tri không đồng ý, cho rằng có sự lệ thuộc về vốn và tài chính, tuy rằng đang còn dấu nhiều con số.

Đề cập đến Trung Quốc như một đối tác kinh tế trong cộng đồng kinh tế toàn cầu, đại biểu Nghĩa cho rằng: “Các doanh nghiệp Trung Quốc là các đối tác kinh tế giống như từ Mỹ, Nga, Nhật, Ấn độ và ASEAN. Có được một nền kinh tế mạnh, núi liền núi, sông liền sông, trước hết không phải hay không chỉ là thách thức mà là cơ hội. Chỉ riêng tiết kiệm chi phí vận chuyển đã đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với các nước khác”.

Tuy nhiên, “trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có yếu kém mà còn có thế mạnh, vậy thì vì sao lại trở nên lệ thuộc, có những bài học từ nhân dân, từ tiền nhân đó là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, “khôn thì sống mà mống thì chết”. Nếu chúng ta giao quyền và tài sản cho những người kém cỏi về năng lực và đạo đức, lại tham lam, người ta chưa mua đã chủ động chào bán, thậm chí buộc người ta phải hối lộ như là điều kiện để người ta phải làm ăn với mình thì làm sao tránh khỏi lệ thuộc, thậm chí là mất nước. Một nước có tiềm năng lương thực lớn như Việt Nam mà lại phải nhập khẩu nông sản, nguyên liệu, thực phẩm từ Trung Quốc, kể cả rau, quả và trứng gà”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa đặt một loạt câu hỏi: Chúng ta có toàn quyền tổ chức đấu thầu, chấm thầu, tại sao lại lọt những nhà thầu Trung Quốc kém năng lực, có ngành lại chiếm đến 80%, 90% số lượng dự án? Tại sao thương gia Trung Quốc có thể bằng visa du lịch đến tận miền tây Nam Bộ thu mua nông sản, lập kho chứa, lũng đoạn giá, phá thị trường? Tại sao buôn lậu hàng chất lượng kém, thực phẩm ô nhiễm vẫn ồ ạt tràn qua biên giới theo đường tiểu ngạch? Tại sao nhà máy của Sam Sung xuất khẩu 130 triệu điện thoại di động trị giá 23,9 tỷ USD sử dụng 45.000 lao động mà chỉ sử dụng có 70 người Hàn Quốc? Chúng ta lại để 23.000 lao động Trung Quốc, chủ yếu là phổ thông làm việc khắp nơi, từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Trà Vinh. Dự án Formosa có 4.268 lao động Trung Quốc trên tổng số 5.917 người, tại sao Formosa không được cho xây miếu thờ mà vẫn cứ xây, họ thờ ai và sau này có dẹp được không?...

Theo đó, đại biểu Nghĩa cho rằng, “con người là yếu tố quyết định của mọi giải pháp. Đại hội Đảng XII phải là một cuộc cách mạng về nhân sự, những người năng lực kém, đầu óc cũ kỹ quá thì không nên giao chức vụ cao. Công nhân, nông dân và đồng bào các diện chính sách đã nghèo và khó khăn lắm, phải có ngay những biện pháp trợ cấp, nếu chúng ta không tăng lương bình quân đồng loạt nhưng phải có ngay một số biện pháp trợ cấp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam cần có đối sách khôn khéo và cương quyết, lành mạnh hóa quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đa dạng, đa phương hóa quan hệ kinh tế, dựa vào các định chế WTO, ASEAN, EU, TPP và các cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ và Châu Đại Dương.

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm