Việt Nam có chuyến bay đầu tiên sử dụng thành công hộ chiếu sức khỏe

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass (ITP) được áp dụng đối với chuyến bay mang số hiệu VN310, từ Hà Nội đi sân bay Narita tại Tokyo, Nhật Bản hôm nay (12/8).

Đây là lần đầu tiên hành khách từ Việt Nam thử nghiệm thành công hộ chiếu sức khỏe, mở ra nhiều kỳ vọng tích cực trong các chuyến bay thử nghiệm tiếp theo.

ITP là ứng dụng của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) được tích hợp một số giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh, nhằm đảm bảo thông tin nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách.

Tính năng ưu việt của ứng dụng này là thay thế cho các loại thủ tục bằng giấy tờ hiện nay, tiết kiệm thời gian cho khách, giảm tiếp xúc cũng như giảm ùn tắc tại sân bay.

Việt Nam có chuyến bay đầu tiên sử dụng thành công hộ chiếu sức khỏe - 1

Hộ chiếu sức khỏe áp dụng với chuyến bay từ Hà Nội đi sân bay Narita tại Tokyo, Nhật Bản ngày 12/8.

Tại Việt Nam, hồi đầu tháng 6, Vietnam Airlines và Vietjet Air đã công bố việc thử nghiệm loại hộ chiếu sức khỏe ITP với mong muốn khôi phục niềm tin của hành khách khi đi máy bay và đảm bảo trải nghiệm du lịch an toàn. Các hãng hàng không cũng kỳ vọng giải pháp này giúp Việt Nam mở cửa biên giới nhanh chóng, an toàn.

Kết quả thử nghiệm với chuyến bay VN310 từ Việt Nam đi Nhật Bản cho thấy hành khách thực hiện các quy trình một cách nhanh chóng và dễ dàng, từ bước tạo hồ sơ cá nhân số trên ứng dụng, điền thông tin chuyến bay để được cập nhật yêu cầu dịch tễ tại điểm đến, xét nghiệm Covid-19…

Hãng hàng không quốc gia cho biết sẽ tiếp tục triển khai thử nghiệm trên các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo từ nay cho tới hết tháng 8 này và chuyến bay VN5055 từ Hà Nội đi London ngày 2/9.

Hiện tại Singapore, Panama, Qatar và Saudi Arabia là các quốc gia đã chính thức đồng ý cho phép hành khách sử dụng ứng dụng này khi nhập cảnh. Ngoài ra, hơn 50 hãng hàng không đã công bố thử nghiệm như Singapore Airlines, Qatar Airways, Emirates...

Trong bối cảnh hàng loạt quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang đối mặt với hậu quả nghiêm trọng do biến chủng Delta mang lại, nhiều quốc gia đang tiến hành việc tiêm chủng cho người dân một cách đồng bộ, vì vậy hộ chiếu vắc xin được kỳ vọng sẽ phát huy được tác dụng của mình.

Việt Nam có chuyến bay đầu tiên sử dụng thành công hộ chiếu sức khỏe - 2

Hành khách làm thủ tại sân bay trong bối cảnh dịch bệnh.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Tuấn Linh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam - cho biết, khi IATA triển khai ITP tới các hãng hàng không thành viên nghĩa là chắc chắn họ đã có sự phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề y tế. Vì vậy, ITP hoàn toàn có cơ sở để ứng dụng hợp lệ.

"Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước nên vào cuộc. Áp dụng hộ chiếu vắc xin hay hộ chiếu sức khỏe sẽ tạo ra sự chuyển mình, tạo thuận lợi trong thông thương quốc tế, vận tải quốc tế, khơi thông tắc nghẽn hai chiều của đường hàng không.

Hộ chiếu vắc xin hay hộ chiếu sức khỏe thì cuối cùng đó cũng chính là một loại hộ chiếu điện tử mà người dùng có thể chứng minh được là mình khỏe mạnh. Tôi thấy rằng, các nước triển khai hoạt động gì cũng rất nhanh, tích cực và mạnh mẽ, theo chiều hướng giải quyết mọi tắc nghẽn" - ông Linh thông tin.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cũng cho rằng, trong ngắn hạn sẽ khó đánh giá hết hiệu quả của ITP, nhưng triển khai khoảng 2-3 năm thì khả năng đạt được những ích lợi toàn diện.