(Dân trí) - Theo McKinsey, Việt Nam cần bảo vệ hiện trạng số ca nhiễm Covid-19 gần như bằng 0, và không nên mạo hiểm mở cửa biên giới cho phép đi lại tự do cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng
Hộ chiếu vắc xin: Không nên mạo hiểm mở cửa, đừng sợ đơn độc không ai chơi!
Với việc áp dụng "hộ chiếu vắc xin", hiện Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu phương án bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch được đặt lên hàng đầu.
Phía Bộ Y tế cũng cho biết trên thế giới, thời điểm này chưa có nhiều nước áp dụng hộ chiếu vắc xin, hiện có Singapore nhưng nước này chỉ áp dụng trên phạm vi rất hẹp, vừa tham khảo vừa thăm dò. Rất nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nhật,… cũng chưa áp dụng, mới chỉ đưa ra bàn.
Trong báo cáo được công bố hồi tháng 3/2021 của McKinsey & Company cũng đã đưa ra quan điểm đáng chú ý về việc mở cửa biên giới.
Theo McKinsey, hiện tại Việt Nam vẫn đang áp dụng quy định nghiêm ngặt về hạn chế đi lại, chỉ cho phép một số lượng nhỏ các chuyến bay quốc tế đưa chuyên gia và cán bộ ngoại giao đến Việt Nam, và những đối tượng này phải tuân thủ quy định về cách ly bắt buộc khi nhập cảnh.
"Việt Nam cần bảo vệ hiện trạng số ca nhiễm Covid-19 gần như bằng 0, và không nên mạo hiểm mở cửa biên giới cho phép đi lại tự do cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng, khả năng này sẽ chủ yếu dựa vào việc tiêm vắc xin trên diện rộng".
Sau khi thông tin này được đưa ra trên báo chí, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý.
Dân trí ghi nhận góc nhìn một số chuyên gia liên quan đến chủ đề này:
HỘ CHIẾU VẮC XIN - VẤN ĐỀ CẦN ƯU TIÊN, SẴN SÀNG KHI THỰC TẾ CHO PHÉP
PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore): Nhiều thách thức rất lớn và cấp bách đang chờ Thủ tướng và Chính phủ mới, bao gồm cả nỗ lực điều hành và chiến lược cải cách.
Trong đó có vấn đề làm sao Việt Nam nhanh chóng vượt ra khỏi khủng hoảng đại dịch Covid-19 và tiếp tục tạo nên những thành công ấn tượng mới trong nỗ lực phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Việt Nam không cần phải đi đầu trong việc triển khai hộ chiếu vắc xin nhưng cũng cần sẵn sàng khi thực tế chứng tỏ là đáng thực hiện.
Từ góc nhìn của tôi, triển khai sớm và quyết đoán hộ chiếu vắc xin theo kinh nghiệm của Singapore là một bước đi quan trọng, nên làm sớm. Nó mang lại lợi ích rất lớn, không chỉ về kinh tế mà cả thương hiệu quốc gia, trong khi rủi ro là hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Đây thực sự là vấn đề cần ưu tiên, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, không phải đi đầu mà sẵn sàng khi thực tế chứng tỏ là đáng thực hiện.
KHÔNG NÊN MẠO HIỂM, ĐỪNG SỢ ĐƠN ĐỘC, ĐỪNG SỢ KHÔNG AI CHƠI
Ông Đỗ Cao Bảo - thành viên sáng lập Tập đoàn FPT: Việc tiêm chủng vắc xin đang mở ra cơ hội rất lớn, đưa nhân loại thoát khỏi cơn đại dịch Covid-19, giúp cuộc sống của chúng ta dần dần trở lại bình thường.
Thế nhưng, quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể kéo dài 6 tháng, 12 tháng nữa hoặc lâu hơn thế. Nên nhớ, sau hơn 3 tháng bắt đầu tiêm vắc xin, mới chỉ có 10% dân số toàn cầu được tiêm vắc xin và chỉ có 5% người được tiêm đủ 2 mũi.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: khi triển khai hộ chiếu vắc nếu không quản lý chặt, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là có. Bộ Y tế đang tìm hiểu thêm, trao đổi với các bộ ngành để xây dựng phương án phù hợp như áp dụng cho người dân đến từ quốc gia nào, loại vắc xin nào, cách ly như thế nào…
Chính vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cần cân nhắc, không nên nóng vội, không nên mạo hiểm dùng hộ chiếu vắc xin để mở cửa biên giới, cho phép đi lại tự do vào thời điểm này. Chưa kể vấn đề hiệu quả của vắc xin như thế nào cũng cần phải làm rõ trước khi chúng ta dùng hộ chiếu vắc xin để mở cửa giao thương quốc tế.
Có thời điểm người ta tin Ấn Độ đã đạt được miễn dịch cộng đồng tự nhiên khi mà suốt gần 3 tháng (từ tháng 1-3) số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ dao động từ 11.000 đến 23.000. Thế nhưng những ngày gần đây, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ lên đến gần 170.000, cao gấp gần 2 lần số ca nhiễm hàng ngày thời đỉnh điểm giữa tháng 9/2020. Nước Mỹ sau hơn 2 tháng tiêm vắc xin, đã tiêm được 145 triệu liều, thế mà hiện vẫn gần 60.000 ca nhiễm mới 1 ngày.
Việt Nam chúng ta đang chống dịch rất tốt, các hoạt động kinh tế, đi lại, vui chơi đang diễn ra bình thường. Hãy theo khuyến cáo của Mckinsey, bình tĩnh và sáng suốt, chậm lại một nhịp, chờ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng (cả thế giới, lẫn Việt Nam).
Mở cửa biên giới chậm hơn các quốc gia chân tường cỡ 3 tháng, 6 tháng là giải pháp tốt nhất cho Việt Nam và chắc chắn có nhiều quốc gia khác cũng sẽ theo chiến lược này, đừng sợ đơn độc, đừng sợ không ai chơi.
ĐÓNG CỬA RẤT DỄ, MỞ CỬA AN TOÀN MỚI KHÓ
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam:
Những con số này được thực hiện trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn duy trì được sự ổn định cần thiết, với các cân đối lớn như lạm phát được kiểm soát, thu chi ngân sách, cán cân thương mại, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại tệ được duy trì ổn định. Đây là điều kiện quan trọng cho quá trình phục hồi nhanh và lấy lại tốc độ tăng trưởng cao trong những quý tới.
Tuy nhiên, một bộ phận của nền kinh tế như ngành dịch vụ, du lịch, vận tải hành khách vẫn gặp muôn vàn khó khăn với lượng khách quốc tế sụt giảm nghiêm trọng tới gần 100%. Một khu vực chiếm 4-5% GDP chưa được phục hồi thì vẫn còn để lại nhiều gánh nặng cho nền kinh tế.
Bộ Y tế cho biết đang nghiên cứu các quốc gia trên thế giới xem họ áp dụng như thế nào để đưa ra một số mô hình, thử nghiệm như tại sân golf hoặc khu du lịch rất nhỏ… Tuy nhiên, điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải quản lý thật chặt.
Vậy có quyết định mở cửa biên giới, tự do đi lại hay không là một câu hỏi hóc búa. Nhưng đặt điều kiện phải đạt được miễn dịch cộng đồng thì mới mở cửa thì dường như lại quá khắt khe.
Ưu tiên số một vẫn là an toàn trước dịch bệnh. Nhưng với những tiến bộ mới đây về vắc xin và tiêm chủng, cũng cần tính toán đến khả năng mở cửa có kiểm soát đối với một số nhóm đối tượng, đặc biệt là chuyên gia, các nhà đầu tư, khách du lịch có mức độ rủi ro thấp. Tuy nhiên, các đối tượng này vẫn cần phải đảm bảo được các quy trình kiểm soát dịch tễ theo quy định.
Quyết định tiếp đóng cửa thì rất dễ, nhưng làm sao mở cửa một cách an toàn, có lộ trình để không đánh mất cơ hội thì mới là khó. Đây chắc hẳn sẽ là một vấn đề ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới.