Việt Nam chỉ còn 6 tỷ phú USD
(Dân trí) - Số lượng tỷ phú USD của Việt Nam giảm còn 6 đại diện, trong đó ông Bùi Thành Nhơn bị rớt khỏi danh sách. Nhìn chung, tài sản những người giàu nhất Việt Nam đều suy giảm.
Tạp chí Forbes vừa cập nhật bảng xếp hạng tỷ phú USD - những người giàu nhất thế giới - năm 2023. Theo đó, tại lần cập nhật này, Việt Nam chỉ còn đóng góp 6 đại diện, ít hơn một người so với bảng xếp hạng năm 2022 do Forbes thống kê.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup - người giàu nhất Việt Nam hiện nay, được xác định đang sở hữu khối tài sản trị giá 4,3 tỷ USD, xếp thứ 636 trong danh sách người giàu thế giới.
Người giàu thứ hai của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO hãng bay VietJet - với 2,2 tỷ USD tài sản ròng, đứng thứ 1.368 trên bảng tổng sắp thế giới.
Các tỷ phú USD còn lại của Việt Nam là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - có 1,8 tỷ USD tài sản, xếp thứ 1.647; ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - có 1,5 tỷ USD tài sản, xếp thứ 1.905; ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco Group - và gia đình nắm giữ 1,5 tỷ USD tài sản, đứng thứ 1.905. Tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group đang là 1,3 tỷ USD, xếp thứ 2.133 thế giới.
Doanh nhân bị "bay màu" khỏi top tỷ phú USD trong lần cập nhật này là ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Nova Group. Thời điểm 4/4/2022, khối tài sản của ông Bùi Thành Nhơn được thống kê lên tới 2,9 tỷ USD, tuy nhiên, hiện tại con số này tụt xuống dưới mốc 1 tỷ USD nên ông Nhơn hoàn toàn "mất hút" trong danh sách người giàu thế giới, đồng thời Forbes cũng dừng cập nhật tài sản của ông Nhơn theo thời gian thực.
Nhìn chung, tài sản của các tỷ phú USD ở Việt Nam đã có sự sụt giảm đáng kể so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán dẫn đến định giá tài sản cổ phiếu của các tỷ phú cũng giảm theo.
Giá cổ phiếu thay đổi theo từng phiên, chính vì vậy giá trị tài sản của các vị tỷ phú cũng có sự dao động nhất định.
Ví dụ, tính tại ngày 5/4 thì giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã sụt giảm 95 triệu USD và còn khoảng 4,5 tỷ USD. Hay như bà Nguyễn Thị Phương Thảo có thêm 28 triệu USD; ông Trần Đình Long có thêm 35 triệu USD.
Nếu tính so với cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu NVL của Novaland đã giảm hơn 85%; HPG giảm gần 40%; VIC giảm 31%; VJC giảm 27%; MSN giảm hơn 38% và TCB giảm gần 41%.
Bên cạnh đó, một số doanh nhân cũng đã thay đổi sở hữu của mình tại doanh nghiệp. Chẳng hạn ông Bùi Thành Nhơn, vào hồi tháng 4/2022, ông Nhơn vẫn đang sở hữu tới 14,18% vốn điều lệ NVL. Sau đó, ông đã có 2 lần chuyển nhượng cổ phiếu NVL. Đến đầu tháng 10/2022, ông Nhơn còn sở hữu 4,97% vốn điều lệ Novaland tương ứng với 96,8 triệu cổ phiếu NVL.