Cổ phiếu Novaland thấp nhất lịch sử, tài sản nhà ông Bùi Thành Nhơn lao dốc
(Dân trí) - Trong bối cảnh giá cổ phiếu lao dốc không phanh thì vừa rồi ông Bùi Thành Nhơn đã quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT Novaland, con gái ông cũng đăng ký mua thêm 44,5 triệu cổ phiếu NVL.
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay (14/2), tình hình thị trường có sự khả quan khi độ rộng nghiêng về phía các mã tăng giá. Sắc xanh chiếm ưu thế với 407 mã tăng, 20 mã tăng trần so với 279 mã giảm, 32 mã giảm sàn.
Tuy vậy, các chỉ số vẫn chịu sức ép đáng kể và đang loay hoay dưới ngưỡng tham chiếu. VN-Index tạm đánh mất thêm 2,29 điểm tương ứng 0,22% còn 1.041,41 điểm; VN30-Index giảm 1,98 điểm tương ứng 0,19% còn 1.038,42 điểm; HNX-Index giảm 0,23 điểm tương ứng 0,11% còn 204,2 điểm. UPCoM-Index tăng 0,9 điểm tương ứng 1,17% lên 78,1 điểm.
Nguyên nhân khiến chỉ số diễn biến bất lợi trong sáng nay là bởi các mã lớn như VCB, VIC, VHM mất giá. Theo đó, tác động do VCB là 1,88 điểm; do VIC là 1,52 điểm và do VHM là 1,52 điểm. Một số mã khác như NVL, VRE, BCM, PGV, MSN cũng ảnh hưởng đến diễn biến chỉ số chung. Nhóm tăng giá như HPG, EIB, CTG, TCB, VIB chưa thể kéo được chỉ số đạt được sắc xanh.
Cổ phiếu NVL của Novaland là một trong những mã bị bán mạnh nhất trong phiên. Đến thời điểm kết thúc phiên sáng, NVL khớp lệnh xấp xỉ 10 triệu cổ phiếu và đang dư bán giá sàn hơn 16 triệu đơn vị.
Đây là phiên giảm thứ 6 liên tiếp của NVL và mã này đang có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp. Thị giá NVL hiện chỉ còn 11.950 đồng - cũng là mức giá thấp nhất lịch sử của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết cho tới nay.
Cổ phiếu NVL hiện đã "bốc hơi" 87% thị giá so với đỉnh hồi giữa năm 2021, theo đó, giá trị vốn hóa thị trường của Novaland cũng giảm tương ứng. Vốn hóa NVL đến hết phiên sáng nay còn 23.303,7 tỷ đồng (tương ứng 979 triệu USD) và Novaland đã chính thức "rớt đài" khỏi danh sách "tỷ đô" vốn hóa trên thị trường chứng khoán.
Trong khi giá cổ phiếu rơi tự do thì bà Hoàng Thu Châu - Thành viên HĐQT Novaland và là Tổng giám đốc Novagroup - công bố bán thỏa thuận 2,28 triệu cổ phiếu NVL vì lý do cá nhân, giảm sở hữu xuống còn hơn 4 triệu đơn vị (tương ứng 0,2% vốn điều lệ).
Ngày 3/2 vừa qua, ông Bùi Thành Nhơn đã trở lại với vị trí Chủ tịch HĐQT Novaland. Theo báo cáo quản trị công ty, tại thời điểm 31/12/2022, sở hữu của ông Bùi Thành Nhơn tại Novaland là 96,77 triệu cổ phiếu NVL tương ứng 4,96% vốn điều lệ; bà Cao Thị Ngọc Sương - vợ ông Nhơn - sở hữu 54,37 triệu cổ phiếu tương ứng 2,79%; ông Bùi Cao Nhật Quân - con trai ông Nhơn - sở hữu 78,24 triệu cổ phiếu tương ứng 4,01%; bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh sở hữu 2,29 triệu cổ phiếu tương ứng 0,12%. Vừa rồi, bà Quỳnh đã đăng ký mua vào 44,5 triệu cổ phiếu NVL trong khoảng thời gian từ ngày 10/2 đến 10/3 để nâng tỷ lệ nắm giữ tại Novaland lên 2,4% vốn điều lệ.
Bên cạnh NVL, các cổ phiếu bất động sản khác trong phiên sáng nay vẫn diễn biến khá tiêu cực: HPX giảm 4,1%; VHM giảm 3,2%; PDR giảm 3,1%; KHG giảm 3%; VIC giảm 3%; HTN giảm 2,4%; VRE giảm 2,1%.
Dòng ngân hàng khả quan hơn khi phần lớn cho thấy dấu hiệu hồi phục. EIB tăng 4%; OCB tăng 2,7%; TPB tăng 2,2%; VIB tăng 2%; TCH, SHB, MSB đều tăng giá trở lại. Tại nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, APG tăng 4,9%; EVF tăng 3,2%; AGR tăng 2,6%; VCI tăng 2,4%; BSI tăng 2,1%; FTS tăng 2%.
Cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản cũng có sự hồi phục rõ nét: VCA tăng 4,2%; KSB tăng 3,8%; HSG tăng 3,5%; DHC tăng 2,9%; TNT tăng 2,8%; TLH tăng 2,6%; NKG tăng 2,6%; HPG tăng 2%.
Cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng có sự phân hóa. Trong khi LM8 tăng trần, UDC tăng 5,3%; DC4 tăng 3,8%; THI tăng 3%; HHV tăng 3% thì MCG giảm sàn, KPF giảm 6,2%; VSI giảm 5%; GMH giảm 2,9%.
Cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa đang có diễn biến tích cực hơn thị trường chung. Chỉ số VNMID-Index đại diện cho nhóm vốn hóa trung bình tăng 12,2 điểm, tương ứng 0,96% còn VNSML-Index đại diện cho nhóm vốn hóa nhỏ tăng 8,51 điểm, tương ứng 0,79%.