1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam cần tránh nguy cơ bị Trung, Hàn làm “sân sau” xuất hàng qua Mỹ

(Dân trí) - Việt Nam nên thận trọng, tránh trở thành sân sau của Trung Quốc, Hàn Quốc để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Đây là cảnh báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tại báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 được công bố sáng nay (17/6) tại Hà Nội.

Việt Nam cần tránh nguy cơ bị Trung, Hàn làm “sân sau” xuất hàng qua Mỹ - 1

Vụ nhôm Trung Quốc trị giá 4 tỷ USD gắn mác hàng Việt Nam xuất sang Mỹ bị chặn đứng là ví dụ điển hình

Báo cáo của VEPR đã điểm lại hàng loạt thành tựu to lớn của kinh tế Việt Nam như tăng trưởng ổn định, lạm phát được kìm giữ, giá trị thương mại cao, thị trường tài chính và tiền tệ được đảm bảo, thâm hụt về ngân sách, nợ công được giảm và điều tiết tốt...

Tuy nhiên, VEPR cho rằng, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay dễ chịu các tác động lớn, tổn thương. Việt Nam là nền kinh tế mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài lớn và tham gia vào hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương (FTAs); chính vì vậy với nền kinh tế mới mở cửa, quá độ nên rất dễ chịu tác tổn thương của chính sách từ các nước lớn, các xung đột khu vực và toàn cầu.

Theo các chuyên gia từ VEPR, xu hướng chuyển giá trị đầu tư từ các khu vực chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay giữa Hàn Quốc với Nhật Bản đã tác động nhiều đến sự phân cực của kinh tế thế giới.

Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đang tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại, cụ thể là chuyển khỏi Trung Quốc, Hàn Quốc để sang nước thứ 3 nhằm tránh tác động không mong muốn về trừng phạt thương mại.

Việt Nam đang nổi lên là nền kinh tế năng động, tham gia vào nhiều FTAs lớn như CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP... Các thị trường EU, Mỹ, Nhật miễn thuế hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đang được mở rộng, đây vừa là cơ hội cho Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và ngay cả các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, VEPR cảnh báo: “Việt Nam nên thận trọng để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ”.

Hiện, giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đang đạt kim ngạch rất lớn, xuất siêu mạnh sang Mỹ và nhiều mặt hàng Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao sang Mỹ như thủy sản, giày da, may mặc, thép, điện thoại, máy tính.

Tổ chức này cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ các quy tắc, quy định về nguồn gốc xuất xứ (C/O) nhằm tránh rủi ro khiếu kiện, đồng thời tránh trở thành bàn đạp, đường mượn của các nền kinh tế khác lợi dụng xuất khẩu.

Đặc biệt, Chính phủ cần rất thận trọng đối với quyết định gia tăng vay nợ mới để trả nợ cũ và bù đắp chi tiêu, đặc biệt trước tình hình quy mô GDP được tính lại năm 2020 khiến trần nợ công có thể được nới lỏng.

Về kịch bản tăng trưởng, VEPR thừa nhận với việc Chính phủ dỡ lệnh giãn cách xã hội từ cuối tháng 4/2020, mức dự báo về tăng trưởng đã được nâng lên.

"Kịch bản lạc quan nhất được xây dựng dựa trên giả định dịch bệnh trong nước được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng 4/2020 và hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 6, giúp các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục. Tác động xấu nhất của Covid-19 sẽ rơi vào quý 2/2020", VEPR nhận định..

Với phân tích trên, VEPR đưa ra kịch bản tăng trưởng tốt nhất của Việt Nam năm 2020 đạt 5,3%; bên cạnh đó còn có các kịch bản tăng trưởng trung bình là 3,9%, nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát và dịch bệnh bùng phát trở lại, tăng trưởng sẽ chỉ đạt được 1,7%.

VEPR nhận định, dù Việt Nam có lợi thế rất lớn là đã kiểm soát dịch bệnh hoàn toàn, tuy nhiên việc phục hồi kinh tế là không dễ dàng khi các đối tác của Việt Nam vẫn đang chịu tác động nặng nề của dịch. Điều này cũng tác động làm giảm tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam.

An Linh