TPHCM:
Viện kiểm sát khẳng định “Ngân hàng ACB và Navibank làm trái luật”
(Dân trí) - Đại diện VKS tối cao giữ nguyên quan điểm đã kết luận "Vì lợi nhuận cục bộ mà ngân hàng ACB và Navibank đã vi phạm pháp luật dẫn tới việc Huyền Như chiếm đoạt tiền".
Trước khi đi vào phần tranh luận, đại diện VKS nêu ý kiến: Tôi đã nghe và nghe rất kỹ các ý kiến tranh luận của các luật sư, tôi mong muốn cùng các luật sư tìm ra hành vi phạm tội mà của các bị cáo. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm của một số luật sư cho rằng VKS quy chụp, không xem xét kỹ các tình tiết mới được nêu ra.
“Vì trách nhiệm trước pháp luật trước nhân dân, cơ quan tiến hành tố tụng, VKS đều có quyền đưa ra ý kiến theo quan điểm của riêng mình theo tài liệu có trong hồ sơ. Quyết định cuối cùng thuộc HĐXX, VKS và các luật sư chỉ đưa ra quan điểm, tranh luận. Khi tôi đưa ra quyết định cuối cùng cần nghe rõ, chưa hiểu thì yêu cầu tôi phát biểu lại” – Đại diện VKS nhấn mạnh.
8h20, đại diện VKS đi vào phần tranh luận bị cáo Huỳnh Thị Mỹ Hạnh không tranh luận, xin giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Võ Anh Tuấn, giữ nguyên kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Đại diện VKS nêu lời khai của Võ Anh Tuấn và Huỳnh Thị Huyền Như trong việc lừa đảo 3 công ty trùng khớp với nhau. Như vậy có căn cứ xác định hành vi của bị cáo Tuấn là đồng phạm giúp Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đại diện VKS không đồng ý quan điểm của luật sư và giữ nguyên quan điểm đã nêu trước đó.
Bên cạnh đó, đại diện VKS nhận định, có đủ chứng cứ, lời khai chứng minh bị cáo Võ Anh Tuấn thu lợi bất chính hơn 72 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Đào Thị Tuyết Dung, luật sư đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt. VKS cho rằng bị cáo không có tình tiết mới để xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo cũng xin trừ khoản tiền mà Như còn chưa trả. VKS cho rằng, không có cơ sở chấp nhận đề nghị này.
Bị cáo Nguyễn Thiên Lý và luật sư Trịnh Bá Thân đề nghi xem xét lại khoản tiền thu lợi bất chính, đại diện VKS nhận định những số liệu không rõ ràng cần làm rõ, tịch thu số tiền thu lợi bất chính sung công quỹ nhà nước. Về tài sản bị kê biên của bị cáo, không phát hiện tình tiết gì mới nên giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên.
Bị cáo Lương Thị Việt Yên, VKS cho biết không nhận được những hồ sơ liên quan đến nhân thân của bị cáo. VKS đề nghị HĐXX xem xét căn cứ về nhân thân để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét đề nghị của các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của từng bị cáo để tạo cơ hội cho các bị cáo sớm quay trở về với xã hội. Bà Giã Thị Mai Hiên, đại diện VKS giữ nguyên kết luận bản án sơ thẩm đã tuyên.
Nguyên đơn dân sự gồm công ty Hưng Yên, Phúc Vinh và Thịnh Phát và tại Công ty Thái Bình Dương được các luật sư bảo vệ quyền lợi, ý kiến tranh luận của các LS đều thống nhất, lập luận về tiền họ gửi tại Vietinbank hợp pháp. Về cơ bản chúng tôi tiếp thu và đồng tình với các quan điểm của các LS. Riêng yêu cầu của SBBS yêu cầu Vietinbnak nồi thường hơn 210 tỷ đồng chưa đủ cơ sở, cần làm rõ hơn.
Về ngân hàng ACB và Navibank, đại diện VKS đồng tình với thiếu sót cấp sơ thẩm mà các luật sư đã nêu lên, tuy nhiên đây không phải mấu chốt quan trọng thay đổi bán chất vụ án. Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, xác định việc gửi tiền của hai đơn vị này là trái pháp luật, vượt mức lãi suất trần và các tài khoản tiền gửi của nhân viên hai ngân hàng này mở tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank là bất hợp pháp, xuất phát từ hành vi trái pháp luật.
Riêng ACB, Huyền Như đã có sự móc nối với nhân viên của ABC là Huỳnh Thị Bảo Ngọc.
Hành vi sai sai phạm của các nhân viên hai ngân hàng này diễn ra trong bối cảnh nhà nước ta đang siết chặt, xây dựng mối quan hệ tiền tệ nhưng hai ngân này đã bất chấp quy định từ đó gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến việc bị cáo Như chiếm đoạt tiền. Đại diện VKS xác định hành vi chiếm đoạt của Huyền Như thỏa mãn tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đại diện VKS không đồng tình về lập luận của luật sư và người đại diện cho các nhân viên hai ngân hàng này. VKS giữ nguyên quan điểm đã kết luận về trường hợp bị cáo Như chiếm đoạt tài sản của ACB và Navibank.
Sau phần đối đáp của VKS, luật sư Nguyễn Minh Tâm – bảo vệ quyền lợi cho Công ty SBBS đưa ra quan điểm đối đáp với phần bào chữa của luật sư Vietinbank. Bài đối dài gần 8 trang A4 của ông Tâm nêu đại ý SBBS thừa nhận bị Huyền Như lừa trong vụ 14 hợp đồng đầu tư vốn. Tuy nhiên ông Tâm cho rằng, Huyền Như đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối để lấy tiền trong tài khoản của SBBS.
Luật sư Đặng Ngọc Châu – bảo vệ quyền lợi của Công ty Toàn Cầu nêu quan điểm đối đáp với phần bào chữa của các luật sư Vietinbank. Theo ông Châu, một số quan điểm của luật sư Vietinbank là mang tính suy đoán, một chiều như: Việc giao dịch giữa Huyền Như và Công Ty Toàn Cầu ở ngoài quán cà phê, Công ty Toàn Cầu nhận tiền ngoài hợp đồng 5 tỷ đồng, Công ty Toàn Cầu chỉ giao dịch với Huyền Như…
Ông Châu kết thúc phần đối đáp của mình với việc đồng tình với quan điểm của VKS nêu ra tại phiên tòa cấp phúc thẩm.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty An Lộc đồng tình với quan điểm với phần đối đáp của VKS, đồng thời đưa ra quan điểm phản bác lại phần bào chữa của các luật sư Vietinbank. Theo luật sư của Công ty An Lộc, tài khoản của công ty này là hợp pháp. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét vấn đề này được luật sư của Vietinbank đưa ra tại phần đối đáp.
Với quan điểm cho rằng, giao dịch giữa Huyền Như và Công ty An Lộc là “giao dịch ngầm”, luật sự cho rằng không có cơ sở.
11h30, tòa tạm nghỉ, dự kiến chiều cùng ngày, phiên toà tiếp tục phần tranh luận của các luật sư trước quan điểm của đại diện VKS.