Vì sao Vietnam Airlines nhiều lần “lỗi hẹn” bay thẳng tới Mỹ?
(Dân trí) - “Mỹ đang là thị trường cạnh tranh khốc liệt, các hãng muốn bay tới Mỹ là một thách thức rất lớn, phải thực hiện một loạt thủ tục liên quan, phải có kế hoạch, lên chương trình hết sức khốc liệt” - ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Sáng nay (11/12), tại cuộc tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức tại Hà Nội, câu chuyện bay thẳng tới Mỹ một lần nữa được nhắc tới theo phân tích của giới chức ngành hàng không và chuyên gia kinh tế.
Điều kiện “ngặt nghèo”
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay, Chính phủ rất quan tâm vấn đề mở đường bay đến Mỹ. Hai nước đã đàm phán ký kết Hiệp định hàng không từ năm 2003. Theo Hiệp định giữa 2 quốc gia, Mỹ và Việt Nam có quyền mở đường bay đến Mỹ và từ Mỹ đến Việt Nam với tần suất 7 chuyến/tuần.
“Chúng ta có thể sử dụng thương quyền 5 để bay giữa Việt Nam và Mỹ đến tất cả các điểm trừ Nhật Bản. Chúng ta cũng đã tiến hành đàm phán hàng không với các quốc gia đối tác để chuẩn bị hỗ trợ các hãng để mở đường bay đến Mỹ. Hiện đã thống nhất được với Đài Loan, Hàn Quốc cho việc sử dụng thương quyền 5. Như vậy, cơ sở pháp lý để chúng ta mở đường bay thẳng và bay có 1 điểm dừng tới Mỹ hiện nay là đã có” - ông Thắng nói.
Về năng lực quản lý hàng không, muốn bay đến Mỹ, các quốc gia đều phải được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đánh giá. Sau hơn 10 năm, chúng ta đã cố gắng hoàn thiên toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, nhân lực, công cụ quản lý để năm ngoái, được Mỹ công nhận là đạt tiêu chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1). Đây là điều kiện tiên quyết để bay đến Mỹ.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng nhấn mạnh vấn đề an ninh hàng không Mỹ hết sức ngặt nghèo, các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải được cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ phê chuẩn. Các sân bay xuất phát từ Việt Nam đến Mỹ cũng phải được cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ phê chuẩn đủ điều kiện về an ninh hàng không.
Năng lực khai thác của hãng hàng không cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải có tàu bay để đăng ký bay đường dài và bay qua đại dương đến Mỹ.
“Theo đánh giá của chúng tôi, nếu bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ phải đạt tiêu chuẩn bay 2 động cơ vượt đại dương tối thiểu 180 phút (Etops), hiện ở Việt Nam có duy nhất Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn này. Những hãng hàng không khác như Bamboo Airways có mong muốn muốn đạt Etops thì điều kiện đầu tiên phải tích luỹ kinh nghiệm, hoàn thiện kinh nghiệm quản lý, khoảng 18 tháng nữa mới có thể bay được” - ông Đinh Việt Thắng cho hay.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết Cục tạo mọi điều kiện về thủ tục để các hãng hàng không đủ điều kiện có thể mở đường bay tới Mỹ, nhưng cũng lưu ý các hãng phải tự cân nhắc, đánh giá, bởi Mỹ đang là thị trường cạnh tranh khốc liệt. Ngay ở Việt Nam cũng đang có rất nhiều đường bay nối chuyến tới Mỹ, do đó phải cạnh tranh được với các hãng hàng không này nếu muốn bay tới Mỹ. Đây là một thách thức rất lớn.
Vietnam Airlines nhiều lần “lỗi hẹn”!
Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, hãng hàng không của Mỹ là United Airlines từng bay đến Tân Sơn Nhất - TPHCM từ năm 2007, đến năm 2012 thì dừng không bay nữa; American Airlines bay năm 2009 và sau 6 tháng dừng khai thác, chọn phương án hợp tác với Vietnam Airlines.
“Vietnam Airlines lên kế hoạch bay Mỹ từ năm 2008, coi đây là nhiệm vụ chính trị, tạo cầu nối giao thương của hãng hàng không quốc gia. Trong chiến lược phát triển của mình, Vietnam Airlines xác định là hãng hàng không 4 - 5 sao và bay xuyên lục địa. Hiện chúng tôi đã có đường bay đến Anh, Pháp, Đức, chỉ còn thiếu đường bay Mỹ. Gần đây nhất hãng đặt mục tiêu bay Mỹ năm 2018” - ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, trong khu vực Đông Nam Á, các nước như: Thái Lan, Malaysia, Phillipines, Singapore, Indonesia đều hướng tới. Hiện chỉ còn Singapore Airlines và Phillippines duy trì được đường bay Mỹ, còn hầu hết dừng lại, chọn hướng bay nối chuyến qua các điểm trung chuyển. Lí do là chưa có máy bay đáp ứng về kỹ thuật có thể bay không dừng mà vẫn hiệu quả, tức là không bị hạn chế về số ghế và tải hàng hoá.
Nhà chế tạo máy bay Boeing và Airbus thông tin, phải đợi đến năm 2022 Boeing 777X và Airbus A350-1000 mới ra đời và có thể đáp ứng được việc bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ.
Ngoài tiêu chuẩn của FAA, Vietnam Airlines cũng đã đạt chứng chỉ của EASA châu Âu. Về chuẩn bị kỹ thuật, Vietnam Airlines đã sẵn sàng và đang làm thủ tục để bay Mỹ, nhưng ngay cả xong thủ tục thì hãng này cho biết cũng phải cân đối nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế.
“Hiện bay từ TP.HCM đến Los Angeles bay không dừng khoảng 18 tiếng, bay nối chuyến qua Đài Loan khoảng 22 tiếng, như vậy thu hút khách bay thẳng không phải dễ. Bay thẳng chỉ hấp dẫn với khách thương gia, nhưng lượng khách này thực sự đến thời điểm hiện tại chưa đủ để có thể mang lại doanh thu hợp lí” - ông Thành cho hay.
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, điều kiện đủ để bay là các hãng hàng không, họ thấy bay được thì họ bay.
“Tôi chỉ nghĩ thị trường hàng không Mỹ đang cạnh tranh khốc liệt, dày đặc, mình lại là người đi sau thì phải có cái gì đó khác biệt mới cạnh tranh được. Khi nào, lúc nào mở đường bay thẳng tới Mỹ, phải tính toán kỹ, làm sao tiện cho người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng có lợi” - TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Châu Như Quỳnh