Vì sao việc thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị phản ứng?

(Dân trí) - Việc thu phí ô tô trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương vừa thực hiện đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội vận tải, thậm chí đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng xem xét. Vậy, đâu là mấu chốt của vấn đề?

BIDV "lắc đầu"
 
Nói về mặt bằng phí thì số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra “mua đường” với mức cao nhất 320.000 đồng/lượt là khá “choáng”, bởi thế đơn vị được ủy thác thực hiện thu phí tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) đang phải đối mặt với với áp lực giảm vé lưu hành từ các doanh nghiệp vận tải.
 
Thực tế, việc thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì CIPM Cửu Long không phải là đơn vị sở hữu quyền thu, đơn vị này chỉ đang thực hiện thu phí “hộ” Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sau khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ chối mua quyền thu phí tuyến đường cao tốc đầu tiên tại phía Nam này.

Vì sao việc thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị phản ứng?
Hoạt động thu phí ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang vấp phải sự phản ứng
dữ dội của các doanh nghiệp vận tải (ảnh: Công Quang)

Một chuyên gia thuộc Bộ Tài chính phân tích: “Toàn bộ tiền thu được CIPM Cửu Long phải nộp vào Kho bạc Nhà nước vào cuối ngày sau khi đã trừ số tiền chi trả cho các hoạt động vận hành bộ máy thu phí. Do không có quyền sở hữu nên CIPM Cửu Long - một pháp nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp không thẩm quyền để tiến hành bán quyền bán tài sản của Nhà nước”.

So sánh với 1 trường hợp khác, dù bị các doanh nghiệp vận tải phía Nam phản ứng mạnh, nhưng mức thu phí cơ bản 1.000 đồng/km/phương tiện giao thông chuẩn quy đổi (xe 5 chỗ) - CPU mà Bộ Tài chính cho phép áp dụng tại tuyến đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương tương đương với mức phí áp dụng tại 20 km đầu tiên của tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Mức thu phí này rõ ràng cao hơn từ 2 - 3,5 lần mức thu phí đang áp dụng tại các tuyến quốc lộ tùy theo từng loại xe nhưng theo tính toán của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho thấy, mức thu không đủ bù đắp các khoản chi phí đã đầu tư.

Vì vậy, với tổng mức đầu tư lên tới gần 9.000 tỷ đồng, trong trường hợp không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cần mức thu phí tối thiểu 2.500 đồng/km/CPU mới đảm bảo tính khả thi với thời gian hoàn vốn kéo dài tới 20 năm. Thế nhưng, Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương dù được áp dụng mức thu phí như trên cộng với việc được phép thu phí cả tuyến quốc lộ 1 chạy song song, BIDV đã phải “bỏ của” vì nhận thấy không thể hoàn vốn nếu bỏ ra số tiền gần 10.000 tỷ đồng mua quyền thu phí trong thời gian 25 năm.
 
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhìn từ Cầu Giẽ - Ninh Bình

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao với cùng mức thu cơ bản mà chuyện thu phí tại tuyến đường Cầu Giẽ - Ninh Bình diễn ra khá suôn sẻ thì tại tuyến đường cao tốc phía Nam nhưng CIPM Cửu Long lại đang phải đối mặt với với áp lực rất lớn đòi giảm phí từ các doanh nghiệp vận tải?

Lý giải về vấn đề này, đại diện VEC cho rằng do trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình áp dụng linh hoạt mức thu phí cơ bản khi xây dựng mức thu phí các phương tiện. Theo đó, VEC đẩy mức thu cho loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng (mức phí thấp nhất) lên gấp 1,5 lần mức thu cơ bản(1.500 đồng) nhưng lại chỉ thu phí đối với loại xe chở container 40 feet (mức thu cao nhất) gấp 7 lần (7.000 đồng) mức thu cơ bản.

Số liệu của VEC cho thấy, sau hơn 3 tháng thu phí, lượng xe container đi vào tuyến cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình đang chiếm tới 30% doanh thu. “Chủ trương của VEC là tăng mức thu với loại xe con nhưng lại giảm giá đối với loại xe container nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực cho hoạt động lưu thông hàng hóa” - vị đại diện này nói.

Các chuyên gia đánh giá, ở tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình VEC đã lựa chọn khá khôn ngoan bởi với mức thu này trong khi vừa tăng được lượng phí từ loại xe con 5 chỗ vẫn hút được một lượng lớn xe container đi vào tuyến. Trong khi đó, tại đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, loại xe chở container 40 feet (mức phí cao nhất) bị ấn định mức thu cao gấp 8 lần mức thu cơ bản và đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp phản ứng gay gắt.

Về vấn đề này, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: dù rất chia sẻ với áp lực phải hoàn vốn Dự án nhưng đối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhưng liên bộ Tài chính và Giao thông Vận tải cũng cần xem xét điều chỉnh lại mức thu đối với loại xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet, bởi mức thu này sẽ góp phần đẩy chi phí vận tải hàng hóa lên rất cao, gây tâm lý bị “tận thu” đối với các doanh nghiệp vận tải.
 
Vì sao việc thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị phản ứng?
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng và
liên Bộ GTVT - Tài chính giảm mức phítrên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Trước đó, ngày 25/2, Bộ GTVT đã chính thức thực hiện thu phí trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại 4 trạm ra - vào là Chợ Đêm, Bến Lức, Tân An, Thân Cửu Nghĩa. Mức phí các phương tiện đi trên cao tốc này phải nộp là từ 10.000 - 320.000 đồng/lượt (tùy loại phương tiện).

Sau 3 ngày thu phí không mấy suôn sẻ, ngày 28/2, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và liên Bộ GTVT - Tài chính kiến nghị giảm giá phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương bởi mức phí thu hiện tại là quá cao và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giữ giá thành vận tải.

Hiệp hội này dẫn giải, hiện các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TP.HCM đi các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và ngược lại đang sử dụng xe vận tải có tải trọng lớn (trên 10 tấn) hoặc xe đầu kéo kéo sở mi rơ moóc chở container. Vì thế, hiện với mức thu phí đối với xe trên 18 tấn hoặc xe chở hàng bằng container 40 fit giá 8.000 đồng/km thì với chiều dài 40 km, doanh nghiệp phải trả mức phí là 320.000 đồng/lượt, tương ứng với 640.000 đồng/chuyến là quá cao so với lợi nhuận từ một chuyến hàng (bao gồm cả chiều đi và về) mang lại.

Cũng theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, ước tính 1 chuyến xe chở hàng trong bán kính khoảng 100 km thì chủ xe chỉ lãi ròng khoảng 300.000 - 400.000 đồng, nếu các chủ hàng không chấp nhận tăng cước vận tải tương ứng với mức thu phí giao thông thì lợi nhuận một chuyến hàng chưa đủ để đóng phí sử dụng đường cao tốc. Vì thế nếu không giảm phí trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì doanh nghiệp vận tải chắc chắn sẽ chọn Quốc lộ 1A để duy trì lợi nhuận đang ở mức tối thiểu.

Quỳnh Anh