1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vì sao Trung Quốc không còn được hưởng lợi khi đồng nhân dân tệ suy yếu?

Nhật Linh

(Dân trí) - Đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm so với đồng USD. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng điều này không mang lại lợi thế xuất khẩu cho Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 2 năm so với đồng USD trong ngày 29/8, song các đồng tiền khác ở châu Á còn chứng kiến sự sụt giảm mạnh hơn.

Do đó, sự phá giá này có thể gây thêm rủi ro tài chính trong khu vực cũng như làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh về xuất khẩu của Trung Quốc.

Sau bài phát biểu mang tính "diều hâu" của Chủ tịch Fed Jerome Powell, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm mạnh so với đồng USD, đạt ngưỡng 6,9 tệ đổi một USD, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020.

Kể từ sau động thái bất ngờ cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), đồng nhân dân tệ đã mất khoảng 2.000 điểm cơ bản so với đồng USD.

Vì sao Trung Quốc không còn được hưởng lợi khi đồng nhân dân tệ suy yếu? - 1

Đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm so với đồng USD (Ảnh: May Tse/SCMP).

Trong phiên hôm qua (30/8), tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ tại Trung Quốc đã hồi phục 230 pips (viết tắt của điểm phần trăm, đơn vị đo sự thay đổi trong tỷ giá hối đoái của hai đồng tiền) so với phiên trước đó, lên mức 6,898 nhân dân tệ đổi 1 USD. Đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc được phép giao dịch trong biên độ 2% so với mức giá tham chiếu trong ngày.

Tuy nhiên, so với các đồng tiền lớn khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự giảm giá của đồng nhân dân tệ được cho là nhẹ hơn. Đồng won của Hàn Quốc hôm đầu tuần đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 4/2009 - thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang hoành hành.

Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), trong tháng 7, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm việc nắm giữ trái phiếu Trung Quốc, xuống khoảng 3 tỷ USD. Cũng trong tháng này, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng chứng kiến 3,5 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường, lần đầu tiên sau 4 tháng.

Bà Katrina Ell, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics cho rằng, các đồng tiền ở những thị trường mới nổi của châu Á đang chịu áp lực mới sau tuyên bố không khoan nhượng với lạm phát của ông Powell. Lãi suất tăng có xu hướng khiến đồng USD mạnh hơn.

"Khả năng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và châu Á sẽ ngày càng rộng hơn. Điều này sẽ tiếp tục gia tăng áp lực khiến các đồng tiền ở châu Á đi xuống", bà nói.

Yuting Shao, chiến lược gia vĩ mô tại State Street Global Markets, cho rằng sự suy yếu của các đồng tiền châu Á sẽ tạo ra nhiều tác động hơn đối với lạm phát nhập khẩu, rủi ro tháo vốn và buộc các ngân hàng trung ương phải cân bằng giữa việc tăng lãi suất mà không gây nguy hiểm cho sự tăng trưởng kinh tế.

Ông Wei Hongxu, một nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn độc lập đa quốc gia Anbound, cũng cho biết, khi đồng USD mạnh lên và các đồng tiền lớn khác như đồng yên Nhật, đồng euro cũng giảm giá, thì sự suy yếu của đồng nhân dân tệ sẽ nhẹ hơn. "Điều này, ở một mức độ nào đó, đã làm giảm áp lực từ đồng USD lên đồng nhân dân tệ", ông nói.

Theo ông, sự giảm giá của đồng nhân dân tệ có thể mang lại ích lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc dù cũng làm gia tăng biến động trên thị trường vốn nước này.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích từ China International Capital Corporation (CICC) lại cho rằng, tác động tích cực của việc đồng nhân dân tệ giảm giá đối với xuất khẩu của Trung Quốc dường như đã yếu hơn kể từ năm 2017, một phần do căng thẳng thương mại với Mỹ và đại dịch Covid-19.

"Ngay cả khi chúng ta chấp nhận logic rằng phá giá đồng nội tệ sẽ thúc đẩy xuất khẩu, song chúng ta cần chú ý đến mức độ phá giá so với các nền kinh tế khác. Đó là liệu có còn cái gọi là phá giá cạnh tranh hay không", các nhà phân tích của CICC nói.

CICC cho rằng, đồng nhân dân tệ hiện vẫn mạnh hơn so với các đồng tiền của nhiều nền kinh tế định hướng xuất khẩu lớn khác và hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ hơn so với các đối thủ khác kể từ khi đại dịch bắt đầu.

VND giữ giá so với USD

Theo công ty cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Wind, kể từ đầu năm đến nay, đồng won đã giảm hơn 13% so với đồng USD. Trong khi đó, đồng yên Nhật và đồng baht Thái giảm lần lượt khoảng 20% và 9,8%. Tuy nhiên, tiền Việt Nam chỉ giảm 0,3%.

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ giảm khoảng 8,6% và ngay cả đồng euro cũng mất giá kỷ lục khi giảm khoảng 12%.

Các chuyên gia cho rằng sự sụt giảm sâu của đồng yên Nhật trong nửa đầu năm nay có thể khiến các nền kinh tế định hướng xuất khẩu phải phá giá đồng tiền của họ để đảm bảo khả năng cạnh tranh về xuất khẩu. Hôm 29/8, đồng yên Nhật có lúc đã xuống chạm mức thấp nhất 24 năm được ghi nhận hồi giữa tháng 7.

"Ở Đông Á, cần chú ý đến tác động của việc phá giá cạnh tranh do đồng yên Nhật gây ra, bởi điều này có thể gây ra những xáo trộn cho thương mại và đầu tư trong khu vực", ông Wei nói.

Tuy nhiên, theo ông, rủi ro về thương mại là hạn chế vì Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Nam Á có vị thế khác nhau trong chuỗi cung ứng và công nghiệp. Nhưng sẽ có nhiều vấn đề hơn đối với dòng vốn và các lĩnh vực đầu tư. "Sự phá giá của đồng yên Nhật và đồng won Hàn Quốc, cũng như đồng nhân dân tệ Trung Quốc, có thể làm trầm trọng thêm rủi ro cho dòng vốn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông nói.

Theo South China Morning Post