Vì sao hàng loạt trang thương mại điện tử Việt "bán lúa non"?

(Dân trí) - Sau các thương vụ mua lại các siêu thị lớn ở Việt Nam như BigC, Metro của các đại gia đến từ Thái Lan, gần đây một số trang thương mại điện tử cũng liên tiếp bị các đại gia ngoại "thâu tóm". Vậy tại sao thị trường bán lẻ Việt đang ngày càng bị nước ngoài chi phối và điều này liệu có lợi cho thương mại Việt Nam?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc thâu tóm kênh bán lẻ dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều do toan tính của các doanh nghiệp, nó cho thấy bán lẻ truyền thống và trực tuyến đang là nơi có lợi nhuận cho các hãng, DN. Các DN bị thâu tóm rất dễ bị mất thương hiệu, thay đổi tên từ đó sẽ là cuộc thay máu hàng loạt kênh bán lẻ tại Việt Nam.

Viễn cảnh các trang mạng Việt Nam bị mua bán bởi các ông trùm bán lẻ của thế giới khiến kênh bán lẻ của Việt Nam bị phụ thuộc (ảnh minh hoạ)
Viễn cảnh các trang mạng Việt Nam bị mua bán bởi các ông trùm bán lẻ của thế giới khiến kênh bán lẻ của Việt Nam bị phụ thuộc (ảnh minh hoạ)

Thực tế, sau đại siêu thị BigC, Metro hay Nguyễn Kim về tay người Thái, mua bán và sáp nhập (M&A) trong thị trường bán lẻ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ ở sân chơi dành cho các trang thương mại điện tử. Bằng chứng là hàng loạt trang website thương mại điện tử tại Việt Nam đã bị mua lại.

Mới nhất, Chợ tốt (Chotot.com) trang rao vặt có tiếng tại Việt Nam do Tập đoàn rao vặt trực tuyến 701search sở hữu đã chính thức về tay Tập đoàn viễn thông Telenor đến từ Na Uy. Đáng nói, tập đoàn viễn thông này cũng đang lên kế hoạch kinh doanh lớn tại Đông Nam Á và đổ tiền mua lại các trang bán lẻ tại Malaysia và Indonesia.

Trước đó, tháng 5 năm 2016 một đại diện khác của thương mại điện tử của Việt Nam là Zalora cũng bị DN nước ngoài mua lại. Cụ thể Zalora - website chuyên về hàng thời trang hoạt động khá mạnh với sự hậu thuẫn của Rocket Internet (Đức) đã chính thức về tay Nguyễn Kim - nơi mà tập đoàn Thái Lan Central Group đang nắm giữ 49% cổ phần. Đồng thời Central Group cũng là tác giả của hai thương vụ M&A đình đám của làng bán lẻ Việt Nam khi mua lại BigC và Metro.

Cũng năm 2016, trang bán lẻ Lazada tại Việt Nam cũng được Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) mua lại. Lazada là hãng thương mại điện tử lớn ở khu vực Đông Nam Á, hoạt động tại 6 thị trường trọng điểm là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Thưc tế theo nhận định của chuyên gia Phạm Chi Lan, mua bán sáp nhập tại Việt Nam không phải là hợp tác kiểu nhượng quyền mà các DN thâu tóm chủ yếu mua lại cơ sở kinh doanh gồm mạng lưới phân phối, đất đai, hạ tầng cứng và mềm. Điều này minh chứng khi chỉ một thời gian ngắn Metro về tay của người Thái, đã bị đổi tên thành Mega Market.

Trường hợp của Zalora cũng vậy, sau khi bị Central Group mua lại Zalora cũng biến mất thương hiệu, thay vào đó là Robins - tên thương hiệu bán lẻ của Central Group tại Thái Lan.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay: "Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có cơ hội phát triển rất mạnh mẽ, những dự án của DN, cá nhân đang thu hút nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và thu hút được nhiều tổ chức tài chính, cá nhân có tiềm lực tham gia. Tuy nhiên, việc bị bán theo kiểu "lúa non" như một số dự án, trang thương mại điện tử hiện nay khiến nguy cơ những dự án khởi nghiệp chỉ thành công bước đầu, chết yểu bởi sự cạnh tranh của các đối thủ".

Hiện nay, thị trường thương mại điện tử rao vặt trực tuyến lớn nhất Việt Nam còn một số trang bán lẻ, rao vặt lớn độc lập như Vật giá và Rao vặt, Én bạc, Rồng bay...

Nguyễn Tuyền