1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại gia bán lẻ hiện đại “thua đứt” cửa hàng tạp hóa!

(Dân trí) - Bán lẻ hiện đại tại 4 thành phố lớn của Việt Nam đã tăng trưởng chậm hơn so với kỳ vọng. Đáng ngạc nhiên là bán lẻ hiện đại không tăng trưởng mạnh bằng các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống tại Việt Nam.

Công ty tư vấn tiêu dùng hàng dầu thế giới Kantar Worldpanel vừa đưa ra bản báo cáo về thị trường bán lẻ Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: Việt Nam đã thực sự là thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng của Châu Á. So với hơn 10 năm trước, các đại siêu thị, siêu thị hiện đại không đạt được tăng trưởng kỳ vọng, trong khi những cửa hàng tiện ích, cửa hàng nhỏ ngày càng được phát triển, mở rộng.

Đại gia bán lẻ hiện đại “thua đứt” cửa hàng tạp hóa! - 1

“Bán lẻ hiện đại tại 4 thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng đã tăng trưởng chậm hơn so với nhiều dự đoán trước đó. Từ năm 2005 đến nay chỉ tăng 6 điểm thị phần và hiện chiếm khoảng 18% thị phần. Nếu chúng ta so sánh sự phát triển này với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, đáng ngạc nhiên là bán lẻ hiện đại chưa phát triển nhiều ở Việt Nam”, Kantar Worldpanel cho hay.

Kantar cho hay, nguyên nhân dẫn đến bán lẻ hiện đại không tăng trưởng nhanh tại Việt Nam là do chi phí mặt bằng đắt, không gian để xây dựng các đại siêu thị hoặc siêu thị rất nhỏ, muốn có không gian lớn, các kênh mua sắm này phải ở ngoại ô thành phố.

Ngoài ra, người Việt thường lái xe máy đến những điểm mua sắm này, và không có khả năng mang vác quá nhiều đồ về nhà trong cùng một lần mua. Và cuối cùng là do thói quen mua sắm của người Việt vẫn còn rất truyền thống, họ thường hay mua những gói hàng nhỏ lẻ, do đó vẫn còn gắn liền với các cửa hàng truyền thống và chợ. Khi đi mua sắm tại các đại siêu thị và siêu thị hành vi mua hàng của họ cũng tương tự như vậy, nghĩa là tần suất đi mua khá thường xuyên nhưng lượng mua lại không được nhiều.

Ngoài những hạn chế ảnh hưởng sự phát triển của kênh đại siêu thị và siêu thị như trên, theo Kantar tăng trưởng kinh tế Việt Nam có phần chậm lại và người tiêu dùng cẩn thận hơn trong việc mua sắm. Nhiều hãng bán lẻ lớn của thế giới đã rút khỏi Việt Nam vì thua lỗ và doanh thu không như kỳ vọng như Big C, Metro hay Family Mart, Parkson… cho thấy các ông lớn ngoại đang hụt hơi tại thị trường bán lẻ Việt Nam.

“Người tiêu dùng tất yếu sẽ cần phải cẩn thận hơn trong việc mua sắm, vì thế họ sẽ quay trở lại cách thức mua sắm truyền thống, ghé những cửa hàng tạp hóa truyền thống trên phố mà họ tin tưởng, nơi mà họ cảm thấy sẽ ít bị cám dỗ để mua các sản phẩm ngoài dự tính và chỉ mua những gì họ cần vào lúc họ cần mà thôi”, báo cáo của Kantar cho hay.

Hãng tư vấn này kết luận, thói quen mua sắm như vậy, chúng ta rất dễ dàng để hiểu lý do tại sao bán lẻ truyền thống hạn chế đi rất nhiều sự phát triển của bán lẻ hiện đại trong vài năm qua, và tại sao mô hình đại siêu thị và siêu thị thực sự đang chật vật để phát triển.

Hiện 7/10 hộ gia đình ở thành thị Việt Nam cho rằng giá thành ở các siêu thị hiện đại thường đắt hơn so với các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Bên cạnh đó, những cửa hàng mô hình này mang đến những tiện ích như mở cửa 24/7; xuất hiện ở nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ và người mua không phải mang vác cồng kềnh.

Nhìn chung, cửa hàng tiện lợi đã và đang đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Theo Kantar Worldpanel, hơn 1/3 hộ gia đình Việt hiện nay đã có mua sắm các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại kênh này trong năm 2015, tần suất mua sắm trung bình là 10 lần/năm.

Hãng tư vấn Kantar Worldpanel đưa ra dự báo, quá trình đô thị hóa vẫn đang diễn ra ở Việt Nam và theo dự đoán dân số thành thị và nông thôn sẽ cân bằng đồng đều vào năm 2040. Điều này sẽ giúp gia tăng sức mua, tạo ra nhu cầu mới từ người tiêu dùng, đây sẽ là thị trường cho các cửa hàng bán lẻ nhỏ mở rộng, luồn sâu vào các trung tâm thương mại hay khu phố để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm