Vì sao có hiện tượng Cai Lậy?

(Dân trí) - Hiện tượng Cai Lậy không khiến dư luận bất ngờ, mà chỉ băn khoăn vì sao các cơ quan chức năng không giải quyết tận gốc của vấn đề: Vị trí trạm thu phí


Căng thẳng vẫn tiếp diễn ở trạm thu phí Cai Lậy

Căng thẳng vẫn tiếp diễn ở trạm thu phí Cai Lậy

Sau hơn 3 tháng trạm thu phí BOT Cai Lậy ngừng thu phí, với việc giảm bình quân 30 % mức phí, tưởng rằng thu phí trở lại sẽ thuận buồm xuôi gió. Nhưng không, ngược lại, có phần gay gắt hơn.

Lần này, nhằm đảm bảo trật tự an ninh, lực lượng công an đã tham gia, nhưng phản ứng của lái xe cũng mạnh mẽ và đa dạng hơn. Thậm chí, có những lái xe bị áp giải về trụ sở công an để giải trình. Vậy vì đâu nên nỗi?

Nguyên nhân dễ nhận thấy, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp thực hiện dự án BOT vẫn chưa giải đáp đầy đủ, đúng pháp luật về những thắc mắc của người tham gia giao thông ở đây.

Đó là hai vấn đề ở đây cần làm rõ: Vị trí đặt trạm thu phí và mức thu phí dựa trên cơ sở nào, kể cả mức giảm phí.

Đầu tiên, dư luận quan tâm, việc đặt trạm thu phí ở vị trí này có đúng pháp luật không?

Câu hỏi này được đặt ra bởi lẽ, tất cả các tài xế không cho xe tham gia cung đường tránh (được dự án BOT đầu tư) vẫn phải chui vào trạm thu phí liệu có hợp lý không. Do đó, giảm giá 30% , chứ có giảm nhiều hơn nữa, liệu những người tham gia giao thông có chấp nhận hay không. Ngược lại, chỉ cần đặt đúng vị trí, phí có cao một chút, người tham gia giao thông sẽ không có phản ứng tới mức như vậy.

Vậy vì sao, sau hơn 3 tháng ngừng thu phí, tính toán kiểu gì mà trạm thu phí vẫn không rời vị trí?

Thứ hai, đã có cơ quan chức năng nào kiểm soát tổng mức đầu tư ở đây liệu được tính toán đúng chưa? Vì sao, khi xảy ra “sự cố” Cai Lậy, lãnh đạo Bộ GTVT đã vội cho rằng, nếu có giảm giá thì thời gian thu phí phải kéo dài vì tổng tiền vẫn không đổi.

Đấy là phát ngôn của Bộ GTVT tại thời điểm mới xảy ra “sự cố” cách đây hơn 3 tháng. Vậy, khi thu phí trở lại, dư luận vẫn không biết, thời gian thu phí có kéo dài thêm thời gian hay không.

Nếu thời gian thu phí kéo dài tương ứng, hoặc không công bố rõ ràng, người tham gia giao thông rất dễ phản ứng và gây bức xúc dư luận. Đây là hợp đồng kinh tế, mọi thứ phải công bố đầy đủ, từ những con số cho đến cội nguồn của những con số đó.

Phải chăng là hợp đồng kinh tế đã “trói chặt” Bộ GTVT? Nếu nói có những khoản mật (trong hợp đồng kinh tế) thì điều khoản mật đó có đúng pháp luật không. Và có đúng luật đi nữa, nếu nó gây thiệt hại cho người tham gia giao thông, cho xã hội thì rất cần phải sửa (nếu không muốn nói là bắt buộc).

Mặt khác, để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển hạ tầng kỹ thuật, các dự án BOT sẽ còn rất nhiều. Do đó, dù có đau đớn, rất cần thiết “mổ xẻ” kỹ hợp đồng kinh tế của dự án BOT nói chung và Cai Lậy nói riêng:

Vì sao các hợp đồng BOT này không đấu thầu? Vì sao, phần thua thiệt luôn thuộc về nhà nước và người dân? Vì sao, trạm thu phí đặt nhầm chỗ? Vì sao có quá nhiều dự án nâng tổng mức đầu tư lên quá cao? Có không những nhóm lợi ích “lái” các dự án này?

Vương Hà