Vì sao chưa kết thúc tranh chấp giữa ông chủ cafe Trung Nguyên và vợ cũ?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên quan đến nhiều chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan quản lý. Tuy nhiên, các cơ quan này có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất.

Như Dân trí đã đưa tin, Bộ Công Thương mới đây đã kiến nghị Thủ tướng giao Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, lực lượng xử lý vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ - bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Đơn kiến nghị khẩn cấp hồi tháng 7/2020 của ông Đặng Lê Nguyên Vũ có liên quan đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ cũ ông Đặng Lê Nguyên Vũ) và Công ty TNHH MTV TNI với nội dung đề cập đến quyền sở hữu nhãn hiệu G7 Coffee, King Coffee.

Vì sao chưa kết thúc tranh chấp giữa ông chủ cafe Trung Nguyên và vợ cũ? - 1
Kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên quan đến nhiều chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan quản lý. Tuy nhiên, các cơ quan này có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất.

Sau đó, các Bộ, ngành có liên quan đã có cuộc họp thống nhất xử lý đơn kiến nghị, phản ánh của ông Đặng Lê Nguyên Vụ.

Thành phần tham dự gồm đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp); Vụ pháp luật Dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp); Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an); Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia...

Điểm đáng lưu ý, ý kiến về những kiến nghị, khiếu nại của ông Đặng Lê Nguyên Vũ giữa khác bên là rất khác nhau.

Cụ thể, tại cuộc họp này, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, quyền sở hữu nhãn hiệu G7, Trung Nguyên là thuộc Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên. Vì nhãn hiệu Trung Nguyên có 2 giấy chứng nhận, nhãn hiệu G7 bảo hộ tổng thể G7, kèm theo 5 hình ảnh Giấy chứng nhận.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ thông tin: Vừa qua có vụ kiện giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhưng bản án phúc thẩm đã bị giám đốc thẩm và bị tạm đình chỉ nên hiên nay quyền sở hữu với tài sản của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, trong đó có quyền sở hữu nhãn hiệu đang trong tình trạng tranh chấp.

Tuy nhiên, đại diện phía Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ lại có những quan điểm khác với đại diện Cục Sở hữu trí tuệ. Các quyền sở hữu nhãn hiệu Trung Nguyên và G7 là tài sản chung của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên. Công ty này có quyền định đoạt với tài sản này cho dù ông Vũ hay bà Thảo có nắm giữ cổ phần trong công ty hay không thì đó vẫn là tài sản chung của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên.

"Tôi cho rằng, chưa rõ ràng về đối tượng xử lý vì Chi nhánh Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang cũng do ông Vũ đại diện theo pháp luật" - đại diện phía Thanh tra Bộ nêu ý kiến.

Đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp của Bộ Công an lại cho biết, nhãn hiệu đều thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên. Vợ chồng ông Vũ, bà Thảo đang có tranh chấp, kiện tụng nhưng đơn kiến nghị của ông Vũ là kiến nghị xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu G7, Trung Nguyên.

Vị đại diện cho biết dù có tranh chấp về quyền sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần thì quyền sở hữu nhãn hiệu vẫn thuộc tài sản công ty trên.

Theo đại diện Cục này, những thiệt hại ước tính của ông Vũ hiện chưa có tài liệu nào xác thực, cần xác minh, điều tra làm rõ. Nhưng về phía Cục này, rất khó để khẳng định có xử lý hình sự được hay không và chưa có đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Phía đại diện Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế của Bộ Tư pháp cho rằng, hiện các thông tin, tàu liệu theo đơn kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và các nội dung phản ánh cũng chỉ mang tính chất đơn phương từ ông Vũ, chưa đầy đủ. Các tình tiết cụ thể cần xác minh, điều tra thêm để đưa ra kết luận có căn cứ.

Đáng chú ý, một đại diện khác từ Bộ Tư pháp, đại diện của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho rằng, nếu theo đơn của ông Vũ đề nghị xử lý vi phạm hành chính (đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nhãn hiệu Trung Nguyên và G7) thì nếu có xử lý vi phạm sẽ không hợp lý và mục đích của việc xử lý chưa thực hiện được nếu nó nhằm ổn định trật tự quản lý nhà nước.

Còn đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, cơ quan này này không phải cơ quan quản lý nhà nước nên từ chối đưa ra ý kiến trả lời là có hay không có tranh chấp nhãn hiệu Trung Nguyên và G7 mà là trách nhiệm của các cơ quan quản lý trực tiếp như Cục Sở hữu trí tuệ.

Đại diện Thanh tra Bộ Công Thương cũng cho biết, chưa có tài liệu xác minh thiệt hại trong vụ việc này và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

Do còn quá nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất trong việc xử lý vụ việc nên lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường - đơn vị chủ trì cuộc họp chưa đưa ra được kết luận cuối cùng.

Đại diện phía Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết, kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên quan đến nhiều chức năng, nhiệm vụ của nhiều lực lượng nên cần thiết phải có sự chỉ đạo thống nhất của cấp trên các cơ quan này trong quá trình giải quyết vụ việc.