Vì sao Chính phủ chỉ định ACV “dồn tiền” xây sân bay Long Thành?
(Dân trí) - Đại biểu Ngô Trung Thành hỏi: Tại sao đơn vị được chỉ định làm sân bay Long Thành lại nhất thiết phải là ACV. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Ngoài ACV thì khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm. Chỉ có chỉ định nhà đầu tư mới có thể khởi công vào năm 2021”.
Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Dự án có tổng mức đầu tư 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD.
Hai tạ tài liệu, thẩm định ít ngày
Theo Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk), về chủ trương chung đại biểu Quốc hội ủng hộ rất cao việc đốc thúc làm sân bay Long Thành vì tiến độ dự án đang rất lo ngại, các bước triển khai dường như rất chậm chạp khi đã 4 năm kể từ ngày Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, đến nay báo cáo nghiên cứu khả thi mới được trình ra. Quốc hội cũng sẵn sàng nâng cao trách nhiệm nên đã quyết liệt, đôn đáo chạy làm thẩm tra cho kịp các quy trình.
“Báo cáo nghiên cứu khả thi lần này cũng được đưa ra một cách gấp gáp, hơn 2 tạ tài liệu mà Ủy ban Kinh tế vẫn phải cố gắng hoàn thành việc thẩm tra chỉ trong ít ngày. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn vì các nội dung Chính phủ trình ra dường như chưa đúng “chuẩn” một báo cáo nghiên cứu khả thi khi các vấn đề cơ bản nhất của dự án như tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế xã hội, phương án tài chính lại chưa thể hiện, thông tin nào cho Quốc hội quyết định để triển khai một dự án lớn như sân bay Long Thành.” - ông Ngô Trung Thành cho hay.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng đặt vấn đề chỉ định thầu cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện đầu tư dự án. Đại biểu so sánh, sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) do một tập đoàn tư nhân đầu tư trong một thời gian rất ngắn vừa qua mà đảm bảo rất đẹp, hiện đại, khai thác bước đầu đã hiệu quả.
Theo vị đại biểu này, vấn đề trên chứng tỏ năng lực của các nhà thầu trong nước của Việt Nam hoàn toàn đảm nhiệm được dự án tương tự chứ không chỉ doanh nghiệp Nhà nước mới có ưu thế. “Vậy tại sao đơn vị được chỉ định làm sân bay Long Thành lại nhất thiết phải là ACV?” - ông Thành nêu câu hỏi.
Vì sao chỉ định ACV?
Trong phiên thảo luận tại Tổ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: “Hiện Chính phủ mới chỉ giao ACV lập dự án. Về nguyên tắc, sau khi dự án được duyệt sẽ đến bước chọn ai là người triển khai sân bay. Đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Ngoài ra, do đây là sân bay gắn liền với an ninh quốc gia nên chỉ có thể đấu thầu trong nước”.
Bộ trưởng Bộ Nguyễn Văn Thể thông tin thêm, theo Luật Đấu thầu, sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, sẽ cần thời gian cho doanh nghiệp nghiên cứu, quyết định tham gia. Kế đó là khâu chấm thầu, công bố trúng thầu.
Cũng theo Luật Đấu thầu, phải có từ 3 doanh nghiệp mới mở thầu. Dưới 3 doanh nghiệp thì sẽ phải xin Chính phủ cơ chế mở thầu đặc biệt trong trường hợp đấu thầu không thành công. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể cho đấu thầu lần 2, nhưng nếu vẫn không đủ 3 doanh nghiệp thì vẫn phải xin mở thầu.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngoài ACV thì khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
“Chúng ta tổ chức đấu thầu, khả năng lớn nhất vẫn ACV nhưng sẽ lại chậm hơn 1,5 năm. Khi đó, sớm nhất cũng phải tới năm 2022 thậm chí năm 2023 mới có thể khởi công” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và nhấn mạnh: “Chỉ có chỉ định nhà đầu tư mới có thể khởi công dự án vào đầu năm 2021.
Không áp đặt, cần Nghị quyết riêng
Thảo luận về Dự án sân bay Long Thanh, ông Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - cho rằng: Phải cụ thể hóa Nghị quyết 94 của Quốc hội về quyết định chủ trương đầu tư dự án một cách tổng thể, trên cơ sở đó xác định thẩm quyền nào thuộc Quốc hội thì Quốc hội quyết, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ quyết.
“Kể cả vấn đề chỉ định thầu hay đấu thầu cũng cứ làm theo luật chứ nếu ngồi đây nói Quốc hội cho cái này, duyệt cái kia thì không đúng thẩm quyền được quy định. Quốc hội ủng hộ chủ trương tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước, nhất là DNNN thực hiện dự án nhưng cần công khai, minh bạch, khách quan” - ông Chính nêu quan điểm.
Trong khi đó, Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi: Chính phủ đang đưa Quốc hội vào thế là buộc phải quyết? Theo ông Giang, từ bài học sân bay của Quảng Ninh thấy việc đưa ACV vào dự án này có phần áp đặt. Vậy nên Chính phủ muốn để dư luận thấy là vai trò quyết định ở đây có cả Quốc hội chứ không chỉ Chính phủ, để sau có nói sai thì là “sai cả giàn”?
“Không vì tạo điều kiện cho Chính phủ mà làm việc trái pháp luật. Không phải là vì Quốc hội không dám chịu trách nhiệm mà vì cần làm đúng luật.” - Đại biểu Thái Trường Giang nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ trong việc làm báo cáo nghiên cứu khả thi và cho rằng báo cáo làm rất bài bản.
Đề cập tới việc chỉ định thầu ACV, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng nếu có mâu thuẫn thì chỉ có Quốc hội là người phải cho ý kiến. “Để Quốc hội có 1 Nghị quyết riêng và nên giao cho ACV để làm chủ đầu tư ở hạng mục xây dựng mà chúng ta thấy là rất cần thiết và cấp bách.”.
Vấn đề khiến Đại biểu TPHCM lo ngại nhất hiện nay liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng. Theo ông, Dự án giải phóng mặt bằng giao cho tỉnh Đồng Nai thực hiện để chúng ta có đất sạch triển khai giai đoạn 1 này.
“Đến cuối năm 2019, nếu làm quyết liệt chỉ mới giải ngân 15% trong tổng vốn được giao trong năm 2018-2019. Như vậy chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, làm sao để có đất sạch để giao, để mà triển khai được dự án giai đoạn 1 vào năm 2020. Đó là điều mà tôi còn băn khoăn và lo lắng.” - Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.
Nhóm PV