Vì sao 20 năm, xe hơi Việt vẫn phải tìm lối ra, không có mẫu xe chiến lược?

(Dân trí) - Sau hơn 20 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đến nay chúng ta vẫn chưa thực sự có ngành ô tô đúng nghĩa, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam kém, thị trường đang bị điều khiển bởi các hãng xe nhập.

Mới đây, báo cáo của Bộ Công Thương gửi Quốc hội cho thấy, sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam liên tục duy trì ở mức 250.000 chiếc/năm trong 2 năm qua. Ngành ô tô cũng góp hàng tỷ USD vào ngân sách và góp phần giải quyết lao động, việc làm...

Chưa qua "núi hiểm", đã gặp "sông sâu"

Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ rõ yếu điểm của ngành xe hơi Việt là không đi liền với nội địa hóa, phải nhập khẩu quá nhiều trong khi có nhiều ưu đãi... Tỷ lệ nhập khẩu linh phụ kiện ngành này từ 3 - 3,5 tỷ USD mỗi năm, trong khi đó tỷ lệ nội địa hóa chỉ từ 7 - 10%, nhiều nhất mẫu xe 37%.

Vì sao 20 năm, xe hơi Việt vẫn phải tìm lối ra, không có mẫu xe chiến lược? - 1

Việt Nam hơn 20 năm vẫn chưa giải được bài toán cũ đã phải gặp khó khăn mới

Trên thực tế, báo cáo của Bộ Công Thương không có nhiều điểm mới, giải pháp mới cho ngành xe hơi. Trong khi đó, chính sách phát triển của các hãng xe, các nước và doanh nghiệp đã và đang thay đổi hàng ngày. Thị trường xe hơi Việt và thế giới đang thay đổi rất nhanh từ ngành sản xuất xe hơi diesel truyền thống sang xe lai hybrid, xe điện, xe không người lái, xe chạy bằng hydro...

Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn lớn nhất của phát triển công nghiệp xe hơi Việt Nam là giá cả, thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Về giá cả, hiện xe hơi tại Việt Nam vẫn được xem là mặt hàng xa xỉ. Nhiều loại xe vẫn bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao (tối thiểu 35% giá trị xe), chính điều này khiến giá xe giao đến tay khách hàng Việt đắt đỏ hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mẫu xe, dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa cao, được tiêu thụ mạnh đã được các bộ, ngành đề xuất song đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Về thị trường, các doanh nghiệp xe hơi tư nhân, liên doanh trong nước đang gặp khó với việc bãi bỏ dòng thuế nhập khẩu xe hơi từ Thái Lan và Indonesia bắt đầu từ năm 2018. Riêng hai thị trường này đã cung ứng gần 90% lượng xe nhập vào Việt Nam, với lợi thế về quy mô và sản lượng, các hãng xe Thái, Indonesia sẵn sàng giảm giá mạnh, đưa vào Việt Nam nhiều dòng xe mới, thức thời để moi tiền từ túi người tiêu dùng Việt.

Trong khi đó, theo nhiều Hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTAs) thế hệ mới như EVFTA (FTA Việt Nam - EU), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP... Việt Nam dần dần sẽ cắt giảm, loại bỏ thuế nhập khẩu đối với xe xuất xứ từ các nước như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản từ 5 đến 10 năm tới. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp làm về xe hơi trong nước sẽ rất khó khăn để níu kéo khách hàng về phía mình chứ chưa nói đến khả năng cạnh tranh được về chất lượng, mẫu mã.

Về thị hiếu người tiêu dùng, đây là một thực tế khiến giới kinh doanh xe hơi Việt, giới chuyên gia nghiên cứu về xe rất đau đầu. Do quan niệm người Việt, chiếc xe hơi là tài sản nên nó đi liền với vị thế, sự giàu có và sang trọng. Chính vì vậy, chiếc xe hơi ngoài khả năng vận chuyển, chuyên chở còn thể hiện địa vị xã hội, đẳng cấp.

Vì quan niệm xã hội này, khiến người Việt thích thú với những chiếc xe sedan hào nhoáng, sang trọng, những chiếc xe SUV đẳng cấp hay những chiếc MPV, Crossver thời thượng hơn là những chiếc xe hatchback, minavan, bán tải pickup... Tuy nhiên, để sản xuất những chiếc xe sedan, SUV, Crossover hay MPV đắt tiền, không phải doanh nghiệp nào, nước nào cũng có thể làm được.

10 năm về trước, Việt Nam khuyến khích Toyota tăng nội địa hóa dòng MPV Innova để coi đây là dòng xe chiến lược, dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, dòng xe chiến lược này chỉ nội địa hóa dưới 40% và không thể tạo nên làn sóng nào cả.

Cùng với quá trình phát triển, du nhập của nhiều loại xe vào Việt Nam, thị hiếu của người Việt thay đổi rất nhanh về kiểu dáng xe, trong đó đặc biệt phân mảnh về kiểu dáng, mẫu mã, dòng xe.

Khó giải đáp đâu là mẫu "xế yêu" của người Việt?

Để nói mẫu xe nào người Việt yêu thích nhất, đáng để nội địa hóa nhất, hiện chúng ta chưa tìm ra được mà chỉ có các mẫu xe có doanh số tương tự nhau, ngang bằng nhau.

Nếu người Việt có giai đoạn thích mua xe hatchback vì giá rẻ, lập tức các hãng đổ xô vào lắp ráp sản xuất và cho ra đời hàng loạt mẫu xe như Kia Morning, Hyundai i10, Chevrolet Spark... Các hãng xe nhập cũng không đứng ngoài, lần lượt Honda Brio, Honda Jazz, Toyota Wigo được nhập về để khai thác thị trường. Thế là các hãng xe lắp ráp trong nước lại gặp khó, cạnh tranh ngay sân nhà.

Khi các dòng xe SUV, Crossover, MPV mới được người Việt yêu thích, tăng doanh số mua vào, lập tức các hãng xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu đấu nhau chan chát khi các thương hiệu như Mazda CX5, Hyundai Tucson, Toyota phải cạnh tranh quyết liệt với Mitsubishi Xpander, Honda HRV, Toyota Rush... về thị trường và mức giá.

Điều này khiến các doanh nghiệp xe Việt không còn đủ thời gian để định hình, thực hiện kế hoạch dài hơi để đưa ra sản lượng lớn, cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Trên thực tế, việc thay đổi thị hiếu về chiếc xe cũng là yếu tố khách quan của thị trường và người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, đây cũng chính là lỗi của chính sách và tầm nhìn của doanh nghiệp Việt khi không tạo cho người Việt có một triết lý mua sắm, sở hữu thực tế, để không chạy theo model thời thượng.

Có thể liên hệ với thị trường và người tiêu dùng xe ở các nước có mối quan hệ mật thiết với Việt Nam là Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản. Tại Thái Lan, xe pickup là niềm tự hào cho ngành sản xuất xe hơi Thái Lan với tỷ lệ nội địa hóa 80%, cũng chính sản xuất được khung, gầm, vỏ satsxi dòng pickup, nên ngành công nghiệp xe hơi Thái làm chủ được nhiều mẫu xe khác nhau và họ tạo ra những chiếc xe với giá phù hợp với người tiêu dùng, đường sá và địa hình của đất nước mình. Không phải nghiễm nhiên mà những chiếc xe pickup tại Thái Lan được ưu ái chạy ở nhiều tỉnh của xứ sở Chùa Vàng.

Hay tại Indonesia, doanh số các mẫu xe hatchback, sedan và MPV là rất cao, các ông lớn như Toyota, Daihatsu hay Astra chia nhau thị trường xe hơi tại quốc đảo và đưa ra hàng loạt mẫu xe nội địa với giá rẻ cho người nghèo.

Tại Nhật Bản, xứ sở của các hãng xe lớn trên thế giới, chúng ta lại thấy có điều lạ rất hiếm khi thấy người Nhật sử dụng những dòng xe mới, sang trọng. Những chiếc xe của dân Nhật sử dụng phần lớn là Kei car và sedan nội địa. Với Kei Car, dù có bề ngoài xấu, song với tính thực tế, giá rẻ và đa dụng, nó được xem là dòng xe tiêu thụ tốt nhất tại nước này. Chính vì có thị trường ổn định, các hãng xe Nhật cũng yên ổn để sản xuất, nâng cao chất lượng xe thay vì lo ngay ngáy để cạnh tranh giữa các mẫu xe như tại Việt Nam thời điểm hiện nay.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm