Vấn đề kinh tế trong tuần:

Vì ai mà dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn?

(Dân trí) - Việc siêu thị Big C thuộc tập đoàn Central Group của Thái Lan sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam trở thành chủ đề “nóng” trong tuần qua, khiến dư luận bức xúc. Bên cạnh đó, ý kiến của cơ quan kiểm toán về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng gây chú ý.

Thủ tướng: Cần nhìn nhận nghiêm túc tình trạng "nói hay làm dở, trách nhiệm thấp"

Vì ai mà dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn? - 1

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP.

Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương sáng 4/7, Thủ tướng Chính phủ nhắc tới một số ý kiến cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến thực chất, nhất là các điều kiện kiểm tra chuyên ngành.

Ở hướng khác, theo Thủ tướng, tinh thần làm việc của công nhân viên chức đại bộ phận là tốt, cố gắng nhưng còn một bộ phận nhũng nhiễu, tiêu cực, lơ là bao gồm cả lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.

"Các cấp, các ngành chấn chỉnh ngay tình trạng này, không để đến khi vi phạm phải xử lý, mất cán bộ," Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nói tới tình trạng nói hay làm dở , làm chậm, trách nhiệm thấp, để người dân kêu ca, chờ đợi. "Ta cần nhìn nhận nghiêm túc để tìm giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm," Thủ tướng nhấn mạnh.

Big C bất ngờ dừng nhập hàng may mặc Việt, hàng trăm nhà cung ứng phản ứng gay gắt

Vì ai mà dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn? - 2

Người lao động và chủ doanh nghiệp dệt may tập trung tại văn phòng đại diện Central Group ở TP HCM/Ảnh: CTV 

Tập đoàn Central Group của Thái Lan vừa có thư gửi các đối tác tại Việt Nam thông báo về việc siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.

Hàng trăm nhà cung ứng của Big C tại Việt Nam chiều ngày 3/7 đã lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, hãng này cho biết, việc đình chỉ đó là “tạm thời”.

Cụ thể, Tập đoàn Central cho biết nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, đơn vị này quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019.

Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên được lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.

Sau động thái nói trên của "đại gia" Thái Lan, nhiều nhà cung cấp sản phẩm may mặc Việt Nam đang hợp tác với BigC đối diện với tình hình khó khăn.

Bộ Công Thương: Mỹ không áp thuế “khủng” thép Việt Nam dùng nguyên liệu trong nước

Vì ai mà dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn? - 3

Hình minh hoạ

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong ngày 2/7 đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc.

Theo đó, phía Mỹ sẽ áp thuế quan lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan được vận chuyển tới Việt Nam để gia công nhỏ rồi cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ.

Thông tin này được ví như “cơn địa chấn” của ngành thép. Bởi đây là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất mà phía Hoa Kỳ từng áp dụng với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế. Trong trường hợp thép cán nguội hoặc thép chống ăn mòn của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước nhập khẩu khác thì không bị áp thuế trong trường hợp này.

Cục Cạnh tranh khiếu nại vì xử Grab “vô tội” trong vụ thâu tóm Uber

Vì ai mà dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn? - 4

Grab được xử "vô tội" trong thương vụ mua lại Uber tại Việt Nam

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa cho biết đã gửi đơn khiếu nại tới Hội đồng cạnh tranh về Quyết định số 26 ngày 17/6 của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam.

Theo đơn khiếu nại, cơ quan này không nhất trí với quyết định "không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với Công ty TNHH GrabTaxi (Grab) và Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber Việt Nam).

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng bản chất và nội dung của giao dịch mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ là việc Grab mua toàn bộ tài sản của Uber Việt Nam dẫn tới Grab đã kiểm soát, chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber.

Do đó, hành vi bị điều tra là hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh.

“Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn là do Bộ Giao thông

Vì ai mà dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn? - 5

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Dự án phải thực hiện theo thiết kế tổng thể, nhưng vì chậm tiến độ nên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép thực hiện theo thiết kế từng phần.

“Tuy nhiên, tiến độ dự án vẫn không đảm bảo. Ngược lại, thực hiện chắp vá như thế ảnh hưởng đến tiến độ và có khả năng rủi ro cả về chất lượng. Trong vấn đề quản lý nhà nước, Bộ GTVT  cần nghiêm túc đánh giá”, Phó Tổng Kiểm toán nói.

Về kết quả kiểm toán dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Trần Hải Đông - Trưởng đoàn Kiểm toán chuyên ngành 5, Kiểm toán Nhà nước - cho biết dự án này có hai vấn đề nổi cộm là chậm tiến độ và đội vốn.

Cụ thể, dự án đã tăng mức tổng đầu tư từ 8.700 tỷ lên 18.000 tỷ đồng do trong quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ, khi thực hiện lại thay đổi phương án dẫn đến tăng chi phí; bàn giao mặt bằng chậm, tiến độ thực hiện kéo dài khiến chi phí nhân công, vật liệu tăng cao…

“Tổng mức đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương Quốc hội, trong khi theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án có mức vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng thì phải báo cáo Quốc hội”, ông Đông cho biết.

Mai Chi (tổng hợp)