1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Công Thương: Mỹ không áp thuế "khủng" thép Việt Nam dùng nguyên liệu trong nước

(Dân trí) - Trước việc Mỹ áp thuế 456% thép Việt có nguồn gốc Hàn Quốc, Đài Loan, Bộ Công Thương cho biết đã đưa ra cảnh báo, khuyến nghị doanh nghiệp đề ra chiến lược kinh doanh, quay sang sử dụng nguyên liệu trong nước và các nguồn khác...

Bộ Công Thương: Mỹ không áp thuế khủng thép Việt Nam dùng nguyên liệu trong nước - 1
Hình minh hoạ.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong ngày 2/7 đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc.

Theo đó, phía Mỹ sẽ áp thuế quan lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan được vận chuyển tới Việt Nam để gia công nhỏ rồi cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ.

Thông tin này được ví như “cơn địa chấn” của ngành thép. Bởi đây là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất mà phía Hoa Kỳ từng áp dụng với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra vụ việc này từ ngày 2/8/2018.

Trước đó, Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp với thép cán nguội và thép chống ăn mòn từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ năm 2016.

“Sau 11 tháng điều tra, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã sơ bộ kết luận rằng sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc là việc chuyển đổi không đáng kể để đối phó với việc chống bán phá giá trợ cấp mà Hoa kỳ đang áp dụng đối với Hàn Quốc và Đài Loan”, ông Lê Triệu Dũng cho hay.

Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế. Trong trường hợp thép cán nguội hoặc thép chống ăn mòn của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước nhập khẩu khác thì không bị áp thuế trong trường hợp này.

Theo thông lệ trước đây của Hoa Kỳ, nếu doanh nghiệp nhập khẩu thép cán nóng, sau đó sản xuất thành chủng loại thép khác thì được coi là chuyển đổi đáng kể, không bị coi là lẩn trốn thuế.

“Tuy nhiên những năm gần đây, phía Hoa Kỳ thay đổi quan điểm. Thép phải được cán từ thép cán nóng trong nước mới được coi là không lẩn tránh thuế”, ông Dũng nói.

Vị này cũng cho biết, trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp thép Việt Nam cung cấp thông tin đầy đủ với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ về quá trình sản xuất của Việt Nam cũng như mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm.

Bộ Công Thương cũng đưa ra cảnh báo, khuyến nghị doanh nghiệp về việc cơ quan điều tra nước nhập khẩu có thể thay đổi và đưa ra những yêu cầu cao hơn về sản phẩm nhập khẩu để doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh, quay sang sử dụng nguyên liệu trong nước và các nguồn khác.

Trong thời gian sắp tới, dự kiến, kết luận chính thức sẽ được đưa ra sau 3 - 4 tháng và Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến đưa ra kết luận vào tháng 9, 10. Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan theo sát vụ việc để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, phù hợp với các quy định hội nhập và các quy định của WTO.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sưa - nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - cho rằng mức thuế nói trên quá cao, nhưng lại là điều "không hề bất ngờ, vì các cảnh báo của VSA với các doanh nghiệp từ nhiều năm qua, nhưng đã không được các nhà sản xuất lưu tâm".

Trong 5 năm gần đây, ngành sản xuất thép Việt Nam liên tục đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, với mức độ ngày càng gia tăng.

Báo cáo cạnh tranh năm 2018 của Bộ Công thương ghi nhận tính đến cuối năm 2017, ngành thép Việt Nam đã chịu gần 30 vụ kiện phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 25% tổng số vụ kiện trong năm và là ngành bị kiện tụng nhiều nhất hiện nay.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm