Vén màn bí ẩn về 2 người đàn ông kiếm cả tỷ USD từ kinh doanh bánh mì kẹp

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Mở quầy bánh mì kẹp để kiếm tiền trả học phí đại học, người đồng sáng lập không hề nghĩ mình sẽ trở thành tỷ phú.

Khi chuỗi đồ ăn nhanh Subway của Mỹ đang xem xét thương vụ bán mình tiềm năng có thể định giá công ty ở mức hơn 10 tỷ USD, một báo cáo của Forbes tiết lộ rằng những người đồng sáng lập quá cố Peter Buck và Fred DeLuca cùng gia đình đã kiếm được hàng tỷ USD cho họ và quỹ của họ.

Thăng trầm của Subway

Vào đầu những năm 2000, một cơn sốt kéo dài đã quét qua nước Mỹ. Hơn 3 thập kỷ sau khi cửa hàng Subway đầu tiên được khai trương ở Bridgeport, (Connecticut, Mỹ), các cửa hàng bánh mì kẹp (sandwich) của thương hiệu bắt đầu xuất hiện ở mọi miền đất nước. Đến năm 2011, mái hiên màu vàng và xanh lá cây mang tính biểu tượng của Subway đã phổ biến hơn so với mái hiên màu vàng của McDonald's.

Nhưng sự yêu thích của người tiêu dùng với Subway bắt đầu giảm dần. Sau cái chết của nhà đồng sáng lập kiêm CEO lâu năm Fred DeLuca năm 2015 - thời điểm trùng với bê bối nghiêm trọng của công ty khi người phát ngôn nhận tội lạm dụng tình dục trẻ em - doanh số bán hàng của Subway đã sụt giảm đáng kể.

Tháng 2 vừa qua, 15 tháng sau khi nhà đồng sáng lập thứ 2 là Peter Buck qua đời, công ty chính thức thông báo bán mình.

Báo cáo mới của Forbes về kế hoạch trên của Subway đã tiết lộ chi tiết mới về số tiền mà các chủ sở hữu tỷ phú của công ty kiếm được. Trải qua không ít thăng trầm, có một điều vẫn không thay đổi: Subway đã chi trả hào phóng cho chủ sở hữu và gia đình họ trong nhiều năm.

Vén màn bí ẩn về 2 người đàn ông kiếm cả tỷ USD từ kinh doanh bánh mì kẹp - 1

Subway là một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất thế giới (Ảnh: Getty Images).

Báo cáo của Forbes dựa trên hàng trăm trang tài liệu tòa án, hồ sơ từ thiện, lịch sử tài chính cùng các cuộc phỏng vấn với chuyên gia và người trong cuộc.

Cụ thể, bà Elisabeth DeLuca (75 tuổi) được thừa kế 50% cổ phần của người chồng quá cố tại Subway. Ước tính bà sở hữu khối tài sản trị giá 8 tỷ USD. Trong khi đó, di chúc của Peter Buck viết rằng ông để lại một nửa công ty (có thể trị giá 5 tỷ USD) cho quỹ của gia đình sau khi qua đời. Việc này sẽ giúp gia đình ông tránh được một khoản thuế khổng lồ.

Gia đình của cả 2 nhà đồng sáng lập đều được ca ngợi vì tích cực làm từ thiện trong những năm qua. Mặt khác, một số bên nhận nhượng quyền của Subway đã phản ứng dữ dội vì cho rằng DeLuca và Buck chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình trong khi họ phải vật lộn với việc hàng nghìn cơ sở đóng cửa do kinh doanh thua lỗ.

Đằng sau hàng tỷ USD tài sản

Câu chuyện của Subway bắt đầu vào năm 1965 tại thị trấn nhỏ ven biển Bridgeport, khi cậu thanh niên 17 tuổi Fred DeLuca đến gặp một người bạn của cha mẹ cậu là Peter Buck - một nhà vật lý hạt nhân thành công - để xin lời khuyên về việc chi trả học phí đại học.

Và Buck đã gợi ý mở một quầy bán sandwich, đầu tư 1.000 USD cho DeLuca. Trong một cuốn sách sau này, DeLuca viết: "Tôi chỉ muốn có tiền học đại học chứ không có ý định gây dựng sự nghiệp từ kinh doanh sandwich".

Trong quá trình học tại Đại học Bridgeport, DeLuca ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho việc kinh doanh này. Trong thập kỷ tiếp theo, 2 nhà đồng sáng lập đã mở thêm 15 cửa hàng, với tên mới là "Subway" trên khắp Connecticut.

Năm 1974, họ chuyển sang mô hình nhượng quyền thương mại và mọi thứ tiến triển rất thuận lợi. Việc mở một cửa hàng nhượng quyền Subway rẻ hơn đáng kể so với hầu hết các công ty đồ ăn nhanh khác đã giúp ích rất nhiều.

Đến năm 1988, Subway đã có 2.000 cơ sở trên khắp nước Mỹ. Năm 2011, công ty vượt qua McDonald's để trở thành chuỗi nhà hàng lớn nhất thế giới với 33.749 cửa hàng trên toàn thế giới.

Mô hình nhượng quyền cũng giúp DeLuca và Buck trở nên rất giàu có.  Họ lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes năm 2004. Thời điểm đó, mỗi người sở hữu khoảng 1,5 tỷ USD.

Vén màn bí ẩn về 2 người đàn ông kiếm cả tỷ USD từ kinh doanh bánh mì kẹp - 2

Chân dung Peter Buck (trái) và Fred DeLuca (Ảnh: New York Post).

Năm 2002, Subway ghi nhận 5 tỷ USD doanh thu toàn cầu. Con số đó tăng gấp 3 lần trong thập kỷ tiếp theo, đạt mức đỉnh 18,1 tỷ USD vào năm 2012.

Forbes ước tính các ông chủ của Subway đã nhận được gần 5 tỷ USD tiền bản quyền (sau thuế) trong 13 năm từ 2009 đến 2022, tương đương khoảng 2,5 tỷ USD cho mỗi gia đình.

Khoản thanh toán tiền bản quyền của Subway cho các chủ sở hữu đạt đỉnh từ năm 2011 đến năm 2013 khi mỗi người nhận được hơn 200 triệu USD tiền bản quyền mỗi năm. Sau đại dịch, con số này đã tăng trở lại mức 180 triệu USD vào năm 2022.

Một phần lớn tài sản khác của Buck gắn liền với đất đai tại nhiều bang ở Mỹ. Tổ chức từ thiện của gia đình ông vẫn trao hàng chục triệu USD mỗi năm cho nhiều tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, báo chí, y học, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo tồn đất đai.

Một người thân cận cho biết trong suốt cuộc đời của mình, DeLuca không biết chắc nên tiêu số tiền khổng lồ trong tài khoản của mình như thế nào. Ông đã mua ít nhất 3 ngôi nhà ở Florida ngoài ngôi nhà ở Connecticut và một chiếc du thuyền dài hơn 30 mét. Đôi khi ông tổ chức các bữa tiệc trong căn nhà ở Florida giản dị của mình và phục vụ đồ ăn của Subway.

Tranh cãi 

Tuy nhiên, không phải ai cũng ấn tượng với nỗ lực từ thiện của DeLuca và Buck. Tháng 4/2021, một nhóm gồm hơn 100 người điều hành cửa hàng nhượng quyền của Subway đã gửi thư tới Elisabeth DeLuca nêu rõ một loạt các vấn đề của chuỗi, bao gồm việc công ty từ chối yêu cầu của họ về nhập nguyên liệu chất lượng cao hơn. Một vấn đề khác là Subway đã khiến doanh số của họ giảm khi mở cơ sở mới ngay gần cửa hàng của họ.

Cũng trong bức thư, nhóm này yêu cầu giảm 8% tiền bản quyền như "dấu hiệu thiện chí đối với tất cả tình trạng hỗn loạn mà chúng tôi phải chịu đựng trong suốt hơn 40 năm lịch sử của Subway".

Đáp lại, người phát ngôn của Subway nhấn mạnh rằng có 10.000 người nhận nhượng quyền trong hệ thống Subway với "nhiều quan điểm khác nhau".

Raghu Marwaha - một người nhận nhượng quyền thế hệ thứ hai trong gia đình sở hữu hơn 100 nhà hàng Subway ở California, cho biết công ty đã giảm một nửa phí bản quyền cho bên nhận nhượng quyền trong vài tuần khi đại dịch bắt đầu bùng phát và cho phép họ thanh toán chậm vài tuần.

"Tôi không thực sự quan tâm đến việc các chủ sở hữu của Subway kiếm được nhiều tiền như thế nào mà chỉ suy nghĩ về công việc kinh doanh nhượng quyền của mình", Marwaha cho biết.

Theo Forbes