1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vé số Vietlott: Phạm luật nào mà đòi phạt người ta?!

Thay vì đòi phạt, đòi cấm những người bán vé số dạo thấp cổ bé họng, những người trong nghề và cả Bộ Tài chính nên nỗ lực tìm kiếm một chính sách kinh doanh mới khả dĩ hơn cho phải lẽ.

Lại lần nữa chuyện phạt những người bán dạo vé số được xới lên nhưng lần này không phải là vé số truyền thống mà là… vé số điện toán (hay vé số Vietlott - gọi theo tên của công ty kinh doanh).

Đây là loại vé số có giải thưởng khủng vì người chơi có cơ hội trúng độc đắc tối thiểu 12 tỉ đồng hoặc gấp hai, ba… do kỳ này chưa có ai trúng thì tiền thưởng sẽ được cộng dồn liên tục cho đến khi có người trúng. Hấp dẫn thế nên vé số Vietlott đang được những người bán dạo “tha” đi khắp nơi, không phân biệt đó có phải là địa bàn phát hành của công ty xổ số điện toán hay không.

Vé số Vietlott: Phạm luật nào mà đòi phạt người ta?! - 1

Viện dẫn Thông tư 136/2013 của Bộ Tài chính yêu cầu vé số Vietlott phải được bán trực tiếp cho khách hàng thông qua thiết bị đầu cuối (máy in vé), một số chuyên gia bảo việc bán dạo với giá nhỉnh hơn (bán 12.000 đồng trong khi giá mua tại đại lý là 10.000 đồng) là vi phạm pháp luật, phải phạt.

Một vụ phó Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng thuộc Bộ Tài chính cũng lập luận người bán dạo vé số Vietlott có hai cái sai (sai địa bàn và sai mệnh giá) nhưng xử lý hay không còn… tùy! Nếu mua đi bán lại vài vé thì khó phạt. Nếu là “đầu nậu” có lợi nhuận lớn thì có thể phạt.

Thử hỏi “vi phạm pháp luật nhưng là luật nào?”. Nói “khó phạt” có nghĩa là có quy định phạt nhưng người có thẩm quyền không nỡ xuống tay hay thực ra là không có quy định?

Đành rằng Thông tư 136/2013 đòi hỏi phương thức phân phối qua máy in và địa bàn kinh doanh nhưng cần phải lưu ý những cá nhân, tổ chức nào bắt buộc phải chấp hành các nội dung này và nếu “bất tuân thượng lệnh” thì sẽ bị chế tài.

Xin nói ngay các đối tượng bị thông tư này điều chỉnh là công ty xổ số điện toán, đối tượng tham gia dự thưởng, đại lý xổ số và các cơ quan, tổ chức, cá nhân “có liên quan đến hoạt động kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán” (theo khoản 2 Điều 1).

Nếu đọc không kỹ, chúng ta dễ lầm tưởng rằng người bán dạo, bán lẻ vé số là “cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh”. Tuy nhiên, quy định tại Thông tư 136/2013 thì cá nhân đó ngoài đáp ứng điều kiện “có liên quan đến hoạt động kinh doanh” còn phải kèm theo điều kiện, đó là “quản lý hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán”. Tức không có người bán dạo, bán lẻ.

Như vậy, phải khẳng định là hiện không có căn cứ pháp lý nào để bắt lỗi những người không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định bán dạo vé số Vietlott. Với việc phục vụ những người có nhu cầu không tiện đến đại lý và nhận lại vài ngàn đồng chênh lệch, đồng thời từ đó tự phát giúp vé số Vietlott vốn không phải hàng phi pháp được tiêu thụ rộng khắp theo quy luật cung-cầu, những người bán dạo đang/được phép làm những việc không bị pháp luật cấm.

Các lỗi vi phạm về phân phối, địa bàn kinh doanh vé số Vietlott để phải bị phạt tiền, thu hồi số lợi bất hợp pháp thu được hoặc các vé số kinh doanh không đúng địa bàn theo quy định của Nghị định 98/2013 chỉ dành cho công ty xổ số điện toán, các đại lý vé số hay những đối tượng khác bị Thông tư 136/2013 điều chỉnh như đã nêu ở trên (nếu có).

Trước đây, Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận từng gây xôn xao khi xử phạt không thuyết phục người bán vé số dạo ở tỉnh này về việc bán vé số không phải của công ty xổ số kiến thiết tỉnh nhà mà là của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Bình Thuận… Gần đây, UBND TP Đà Nẵng cũng làm dư luận băn khoăn về tính cần thiết và sự khả thi khi yêu cầu công ty xổ số kiến thiết tỉnh có giải pháp đề nghị người bán lẻ cam kết không phân phối vé số Vietlott dưới hình thức bán dạo.

Cứ cho là đang có nhiều lý do chính đáng từ phía cơ quan quản lý nhà nước và các công ty xổ số kiến thiết, công ty xổ số điện toán để Bộ Tài chính phải ban hành quy định về địa bàn kinh doanh và phương thức phân phối phù hợp. Thế nhưng với thị trường tiêu dùng thời nay thì không thể là sự áp đặt duy ý chí và như nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì “ổn định thị trường là phải đảm bảo các sản phẩm được cạnh tranh theo hướng tăng quyền lựa chọn của khách hàng”.

Thay vì thể theo cảm tính mà đòi phạt, đòi cấm những người bán vé số dạo thấp cổ bé họng, những người trong nghề và cả Bộ Tài chính nên nỗ lực tìm kiếm một chính sách kinh doanh mới khả dĩ hơn cho phải lẽ.

Theo Luật sư Lê Văn Hoan
Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm