Bán dạo vé số Vietlott: Phạt hay không thì... tùy!

“Việc bán vé Vietlott dạo, mua đi bán lại có bị xử lý hay không còn... tùy tình huống cụ thể” - đại diện Bộ Tài chính.

Chiều 12/4, các luật sư, công ty vé số đã tranh luận quyết liệt về việc có nên cấm bán dạo vé số điện toán hay không tại hội thảo “Minh bạch thị trường vé số” diễn ra ở TP.HCM.

Tịch thu, phạt bán vé số dạo

Thời gian qua báo chí đã đăng nhiều thông tin về việc cấm bán dạo vé số Vietlott (còn gọi là vé số kiểu Mỹ), tịch thu vé số bán không hợp pháp và phạt hàng triệu đồng nếu bán vé số Vietlott không hợp pháp... Điều này gây băn khoăn, lo lắng cho cả người mua lẫn người bán vé số Vietlott dạo.

Mới đây, cơ quan chức năng phạt 10 triệu đồng, thu hồi hơn 700 vé số Vietlott của một cơ sở kinh doanh vé số điện toán trái pháp luật tại TP Đồng Hới, Quảng Bình.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề trên. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng theo quy định của pháp luật hiện nay, việc kinh doanh vé số Vietlott phải thông qua phương thức phân phối thiết bị đầu cuối và phải nằm trong địa bàn được Bộ Tài chính cho phép kinh doanh (chỉ có tại một số tỉnh, thành trên cả nước).

Trong thời gian vừa qua, vé số tự chọn đã được sự ủng hộ và thu hút lớn đối với người tiêu dùng. Nhiều cá nhân tại một số địa phương, nơi chưa được phép kinh doanh loại hình xổ số này, đã mua lại từ những tỉnh, thành đã được cấp phép mang về bán. “Thực chất đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật” - ông Hậu khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị để đảm bảo tính công bằng trong kinh doanh nên cho phép cá nhân được quyền mua vé số điện toán từ đại lý và bán lại cho người khác.


Người bán dạo vé số truyền thống kèm vé số tự chọn ở trung tâm TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giang

Người bán dạo vé số truyền thống kèm vé số tự chọn ở trung tâm TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giang

Đại diện Công ty Sài Gòn Lott, đơn vị phân phối vé số Vietlott thì cho rằng cấm bán dạo là không có căn cứ pháp lý vững chắc. Bởi bản thân đại lý vé số Vietlott cũng không biết người mua vé là mua về để bán lại hay mua cho chính mình.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đức Chánh, nói: Theo Điều 2 Thông tư 136/2013 của Bộ Tài chính thì đối tượng áp dụng quy định về kinh doanh xổ số là công ty xổ số điện toán, đối tượng tham gia dự thưởng xổ số tự chọn số điện toán, đại lý xổ số tự chọn số điện toán; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán.

Vì thế, chỉ những đối tượng nêu trên mới bị điều chỉnh và bị xử lý về hành vi liên quan đến kinh doanh vé số Vietlott. Còn việc một khách hàng mua đứt bán đoạn các tờ vé số rồi sau đó trao đổi, tặng cho... người khác thì không bị xem là vi phạm vì đây là quyền định đoạt đối với tài sản của chủ sở hữu.

“Do đó khó có thể xử phạt đối với người dân đã mua vé số các loại rồi bán lại, tặng cho người khác” - luật sư Chánh khẳng định.

Xử hay không là... tùy

Một số ý kiến cho rằng nếu bắt buộc Vietlott cấm khách hàng mua số lượng lớn hay cấm khách hàng mua đi bán lại là không khả thi. Vì Vietlott không thể hạn chế quyền mua của khách hàng cũng như không thể bắt buộc khách hàng chứng minh hay cam kết việc mua vé số là để dự thưởng chứ không được chuyển nhượng.

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM về những tranh cãi quyết liệt trên, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng thuộc Bộ Tài chính, nói: Việc bán vé Vietlott dạo, mua đi bán lại có bị xử lý hay không còn... tùy.

Ông Dương phân tích: Vé Vietlott hiện phải bán qua thiết bị đầu cuối, tức máy in vé. Bán sai địa bàn, bán sai mệnh giá là vi phạm quy định và bị xử lý. Tuy nhiên, việc sai đó và có xử lý, xử phạt hay không là tùy tình huống cụ thể.

Theo đó, trường hợp cá nhân mua đi bán lại một ít vé, dù bán lại với giá cao hơn 10.000 đồng/vé, thì cũng khó mà xử lý vi phạm. Trường hợp tận dụng cơ hội kinh doanh xổ số điện toán mà cá nhân, tổ chức thiết lập đường dây bán lại vé Vietlott, thu lợi nhuận lớn thì sai và bị xử phạt.

“Vé có mệnh giá 10.000 đồng mà bán với giá 12.000 đồng, 15.000 đồng là sai quy định. Tổ chức hẳn đường dây kinh doanh, mua đi bán lại, kinh doanh kiếm lợi nhuận kiểu như vậy là gây xáo trộn thị trường, là sai và cơ quan quản lý sẽ vào cuộc để xử lý” - ông Dương nhấn mạnh.

Nếu thấy phạt sai có thể khiếu nại, kiện

Chị Nguyễn Thị Nghĩa, bán dạo vé số truyền thống ở quận Tân Bình, TP.HCM, kèm theo vài tờ vé số Vietlott. Ai hỏi mua vé số Vietlott thì chị ngập ngừng đưa ra mời. Chị kể: “Tui chỉ dám lấy chục tờ Vietlott thôi, trong khi vé truyền thống cả trăm tờ. Lỡ có bị tịch thu thì cũng không mất bao nhiêu. Tui nghe nói là cấm bán dạo nhưng tui cũng không biết có cấm hay bị phạt hay không”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng người dân, người bán lại vé số Vietlott bị tịch thu vé, xử phạt mà cho rằng mình không sai, không vi phạm pháp luật thì có quyền khiếu nại, khởi kiện để hủy quyết định xử phạt.

Vẫn còn độc quyền

Hội thảo “Minh bạch thị trường vé số” do báo Thanh Niên tổ chức. Tại đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng cấm người bán dạo vé số Vietlott là không phù hợp. Vấn đề là các công ty xổ số truyền thống nào còn chưa cạnh tranh được thì cần làm tốt lên. Chẳng hạn như cắt giảm người, minh bạch hơn, thuê tư vấn...

“Xổ số truyền thống hãy sống như một dịch vụ, phục vụ khách hàng. Bao nhiêu năm cứ phè phè không thay đổi, giờ phải cố gắng lên! Lĩnh vực xổ số vẫn còn là độc quyền, vẫn còn có không gian và thời gian để thay đổi” - ông Hiếu nói.

Theo Quỳnh Như
Pháp luật TPHCM