Vệ sinh an toàn thực phẩm: Thanh tra đột xuất, vi phạm chiếm gần 30%
(Dân trí) - Theo một báo cáo gửi tới các vị Đại biểu Quốc hội, mức độ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất nghiêm trọng, số cơ sở vi phạm khi thanh tra đột xuất, chiếm 28,6% lớn hơn so với thanh tra báo trước theo kế hoạch.
Báo cáo kết quả giám sát về thực hiện chính sách, phát luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 của Đoàn giám sát liên ngành do ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn gửi tới Đại biểu Quốc hội cho thấy, việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đã được triển khai tương đối đồng bộ và quyết liệt, nghiêm minh hơn trước.
Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, từ năm 2011-2016, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Công thương, Công an, Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Giáo dục và đào tạo..., tiến hành kiểm tra tại hơn 3,35 triệu cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%.
Theo thống kê từ báo cáo của 45 tỉnh/thành phố UBND có đủ số liệu thì giai đoạn 2011 - 2016 đã có 124.957 Đoàn thanh tra ATTP/45 tỉnh; số vụ vi phạm là 436.311 vụ, số tiền phạt là 211 tỷ đồng, số sản phẩm bị tiêu hủy là 24.748 tấn. Các vi phạm chủ yếu là vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, vi phạm về trang thiết bị, dụng cụ, vi phạm về việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP. Cụ thể, tại thành phố Hà Nội tiến hành thanh tra 786 cơ sở, phát hiện 355 cơ sở vi phạm (chiếm 45%), phạt tiền 203 cơ sở với tổng số tiền phạt 579 triệu đồng; TPHCM đã tiến hành thanh tra 446 cơ sở, phát hiện 99 cơ sở vi phạm (chiếm 22%), phạt tiền 82 cơ sở với tổng số tiền phạt 343 triệu đồng..
"Điều này cho thấy mức độ vi phạm còn rất nghiêm trọng, số cơ sở vi phạm khi thanh tra đột xuất, chiếm 28,6% lớn hơn so với thanh tra báo trước theo kế hoạch", báo cáo cho hay.
Ngoài ra, công an, quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra xử lý hơn 4.000 vụ vi phạm, thu nộp 9,3 tỷ đồng (quý I/2016). Vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, sử dụng hóa chất, phụ gia bị cấm trong sản xuất, chế biến.
Cụ thể, năm 2016, Chi cục QLTT thành phố Hà Nội đã phát hiện 6 tấn ngó sen, me chua quá hạn sử dụng; 4 tấn ruốc gà không rõ nguồn gốc; 5 tấn thực phẩm đông lạnh đang trong giai đoạn bốc mùi hôi thối; trên 10 tấn dược liệu các loại do nước ngoài sản xuất không có nhãn hàng hóa; 5 tấn mỡ bẩn; 550 kg phụ gia, gia vị không rõ nguồn gốc…; Chi cục QLTT TPHCM phát hiện 2 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối, 3 tấn thịt trâu tẩm ướp hóa chất để giả thịt bò…; Chi cục QLTT tỉnh Hưng Yên phát hiện 4,2 tấn thịt lợn ốm, lợn chết không có giấy tờ kiểm dịch vệ sinh ATTP của các cơ quan chức năng.
Về xử lý vi phạm, trong số 678.755 cơ sở vi phạm, mới chỉ có 136.545 cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền trung bình 200 nghìn đồng/vụ. Việc áp dụng các chế tài xử phạt đã được đẩy mạnh: tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu (2011) lên 3,73 triệu (2016). Cùng với việc xử phạt hành chính, các cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không đảm bảo ATTP, cũng như thu hồi các loại giấy phép...
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, Cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP, đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP theo các tội danh khác.
Phương Dung