Vay vàng mua nhà đến kỳ trả nợ, vợ chồng trẻ "sấp mặt" khi giá vàng tăng
(Dân trí) - Nhiều người vay nợ bằng vàng đang rơi vào cảnh khóc dở mếu dở khi đến kỳ hạn trả nợ mà giá vàng tăng vù vù.
Đầu tháng 3, vợ chồng anh V.H.M mua được một căn chung cư 67 m2 giá 1,8 tỷ đồng ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Lúc mua nhà, vợ chồng anh chỉ có 1,1 tỷ đồng. Anh được bố mẹ hai bên cho vay thêm 100 triệu đồng, còn lại đi vay ngân hàng. Thấy vợ chồng anh đang cần tiền gấp, chú ruột anh đã cho mượn 10 cây vàng với điều kiện cuối năm anh phải trả trước 5 cây (5 lượng). Anh kể ban đầu định vay ngân hàng nhưng thủ tục làm mất thời gian nên quyết định vay vàng. Theo thỏa thuận thì cuối năm nay anh trả trước 5 cây.
Anh M. vẫn nhớ ngày 9/3, vợ chồng anh mang 10 cây vàng đi bán. Khi đó, giá vàng được niêm yết ở mức 54,7 - 55,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Bán xong một ngày, giá vàng ở chiều bán ra đã tăng thêm 230.000 đồng/lượng, tiến lên mốc 55,4 triệu đồng/lượng.
Theo tính toán của vợ chồng anh, cuối tháng 11, giá vàng mua vào sẽ dao động ở mốc 56 - 56,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, trước kỳ hạn trả vàng một tuần, ngày 24/11, giá vàng miếng là là 59,4 triệu đồng/lượng mua vào, còn giá bán ra là 60,12 triệu đồng/lượng.
"Tôi vay vàng thì không phải chịu lãi nhưng chú và tôi đã thỏa thuận trước là vay vay bằng gì thì trả bằng đó. Thế nên, có làm cách nào, chúng tôi cũng mua bằng được vàng trả chú. Tuần trước, thấy giá vàng leo cao, chú thím cũng nói chuyện, bảo chúng tôi chỉ cần trả trước 3 cây nhưng vợ chồng tôi vẫn xin trả 5 cây", anh M. kể.
Tương tự, vợ chồng chị M.H (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa mua 3 cây vàng trả nợ bố mẹ. Chị H. cho biết năm 2018, khi vợ chồng chị vay vàng của bố mẹ chị để mua xe thì giá vàng là gần 37 triệu đồng/lượng. "Ông bà cho vay cũng chẳng tính lãi, cũng chẳng bảo chúng tôi khi nào cần trả nhưng tôi đã hứa là khi con trai tròn 5 tuổi sẽ trả lại", chị kể.
Chị H. cho biết, ngày 15/11, cũng ngày con trai chị tròn 5 tuổi, vợ chồng chị đã đi mua vàng trả ông bà. Theo niêm yết tại cửa hàng, giá vàng SJC ở mức 60,1 - 60,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Không vay vàng để mua nhà hay mua xe, bà V.T (Thái Bình) lại mua vàng để chơi phường lấy vốn sản xuất, kinh doanh. Nhóm phường vàng của bà có 6 người với quy định nộp vàng, trả vàng, không quy đổi ra tiền mặt. Thế nên, giá vàng dù có lên cao hay xuống thấp, người trong phường vẫn phải chấp nhận.
"Tôi đã lấy vàng vào quý I năm nay, nghĩa là đến quý III năm sau tôi mới đến kỳ lấy tiếp. Hồi tháng 3, sau khi nhận được tiền, tôi đã đi mua ngay mấy đàn gà về nuôi để bán Tết. Tôi nhớ không nhầm, giá một cây vàng bán ra khi đó mới có 55,45 triệu đồng còn bây giờ, mua vào đã là 59,4 triệu", bà chia sẻ. Theo bà T., còn 20 ngày nữa là đến kỳ bà phải đóng phường, nhìn thấy giá vàng "tăng vù vù", bà thấy choáng váng. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận từ trước nên vẫn cần thực hiện.
Thời gian qua, giá vàng trong nước có những phiên tăng rất mạnh rồi mới hạ nhiệt dần. Giá vàng SJC đạt đỉnh hơn 62 triệu đồng/lượng chiều bán ra vào ngày 17/11 sau đó giảm dần.
Đến chiều qua (24/11), giá vàng SJC được niêm yết ở 59,4 - 60,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Nếu so sánh với ngày 1/11 khi giá vàng ở mốc 57,6 - 58,32 (mua vào - bán ra) thì kim loại này đã tăng 1,8 triệu đồng ở cả 2 chiều mua và bán. Còn từ đầu năm, giá vàng đã tăng 3,85 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 4 triệu đồng ở chiều bán ra khi giá vàng ngày 1/11 niêm yết ở 55,55 - 56,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Chọn ngày 24/11 làm mốc so sánh, giá vàng SJC qua các năm 2018, 2019, 2020, 2021 sẽ lần lượt là: 36,38 - 36,56 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); 41,28 - 41,54 (mua vào - bán ra); 55 - 55,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); 59,4 - 60,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy giả sử, những người vay vàng từ tháng 11/2018 để đầu tư thì đến nay đang lỗ nặng.