Vào bếp hay gọi đồ ăn: Gợi ý chiến lược tiết kiệm cho Gen Z

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Khi phải đối mặt với áp lực "cơm, áo, gạo, tiền", Gen Z có thể lựa chọn tự vào bếp hoặc đặt đồ ăn tùy vào khả năng tiết kiệm và mua đồ của mình.

Nhắc đến cách tiết kiệm hiệu quả nhất, "tăng ăn nhà, giảm hàng quán" có lẽ là ý nghĩ đầu tiên bật ra trong đầu nhiều bạn trẻ Gen Z đang bước đầu tự trang trải cuộc sống. Mạng xã hội gần đây cũng đầy ắp những video hướng dẫn nấu món ngon đơn giản tại nhà. Bên cạnh đó, một số bạn trẻ lại chọn cách đặt đồ ăn ngon - rẻ để tiết kiệm. Vậy đâu mới là chiến lược hiệu quả?

Tự nấu và đặt đồ ăn: Cách nào tiết kiệm hơn?

Gen Z được cho là thế hệ tiên phong trong xu hướng "mua qua mạng, ăn qua app". Sinh ra trong thời đại 4.0, các bạn trẻ Gen Z chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại là có thể dễ dàng đặt bất cứ món nào ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Thế nhưng, đối với những Gen Z đang ở năm cuối giảng đường hay đang trong những năm đầu đi làm, giai đoạn tự thân vận động này thường kèm theo áp lực không hề nhỏ về "cơm, áo, gạo, tiền". Để có thể tự chủ tài chính, việc lựa chọn tự nấu hay đặt đồ ăn ngoài trở thành bài toán nan giải của không ít bạn trẻ.

Vào bếp hay gọi đồ ăn: Gợi ý chiến lược tiết kiệm cho Gen Z - 1
Vượt lười tự nấu hay đặt đồ ăn ngoài cho tiết kiệm là nỗi đắn đo của không ít Gen Z hiện nay (Ảnh: Shutterstock).

Nấu ăn tại nhà, ăn ngoài hay đặt đồ ăn, mỗi lựa chọn đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Với việc nấu ăn tại nhà, bạn trẻ có thể chế biến theo cách của mình, tùy ý nêm nếm hay tính toán chính xác lượng calo mỗi bữa nhưng lại tốn thời gian, chưa kể giá thực phẩm không phải lúc nào cũng rẻ và còn tốn thêm chi phí điện, nước, gas. Nếu đặt đồ ăn qua các ứng dụng, có thể sẽ đắt hơn một chút nhưng bù lại người dùng sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức.

Một số bạn trẻ Gen Z thừa nhận rằng việc tự nấu ăn không phải lúc nào cũng đem lại tiết kiệm. Nhiều trường hợp nấu ăn tại nhà còn tốn thời gian, công sức và tốn tiền hơn cả việc ăn ngoài. Điển hình như câu chuyện của Minh Tâm, 22 tuổi, Hà Nội, đã khiến nhiều người đồng cảm với việc quản lý chi tiêu cho ăn uống.

Theo Minh Tâm, vì muốn tiết kiệm, cô đã quyết định tự nấu ăn tại nhà. Vậy mà sau khi đi siêu thị, Tâm đã tiêu hơn 700.000 đồng cho việc mua sắm thức ăn và một số mặt hàng ngoài dự kiến. Sau đó, cô còn mất tận gần 2 tiếng để hoàn thành bữa cơm, chưa kể thời gian rửa bát, dọn dẹp. Điều này làm cho cô gái Gen Z này phải tự vấn lại quyết định của mình.

Tiết kiệm hiệu quả là "liệu cơm gắp mắm"

Qua câu chuyện của Minh Tâm, vậy ăn ngoài hàng hay đặt đồ ăn sẽ là chiến lược tiết kiệm hiệu quả hơn? "Theo tôi, không phải là tự nấu hay đặt đồ ăn, chiến lược tiết kiệm hiệu quả nên là liệu cơm gắp mắm", Phương Linh, 26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, bày tỏ khi được hỏi về quan điểm sau câu chuyện của Minh Tâm.

Cô gái Gen Z đời đầu này cũng giải thích thêm: "Với trường hợp của Tâm, khi sống một mình, việc nấu một bữa cơm hiển nhiên sẽ tốn nhiều chi phí, chưa kể phải nghĩ cách xử lý với phần thức ăn còn lại. Bỏ đi thì hơi lãng phí, nhưng ăn cùng một món vừa ăn bữa trước thì không phải ai cũng muốn. Còn với tôi, vẫn đang sống cùng bố mẹ thì ăn cơm nhà là lựa chọn hợp lý. Có những lúc, bố mẹ đi vắng tôi cũng chọn đặt đồ ăn ngoài, vừa tiết kiệm thời gian lại có nhiều lựa chọn, đổi món cho đỡ ngán".

Tiết kiệm theo phương châm "liệu cơm gắp mắm", cách thức nào có chi phí hợp lý với nhu cầu của bản thân hơn thì lựa chọn nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ được lựa chọn tự nấu hay đặt đồ ăn ngoài suốt 365 ngày.

Hội "ăn qua app" thi thoảng nếu có thời gian cũng có thể nấu ăn tại nhà, hay team "cơm nhà" đôi lúc chán cơm cũng có thể nuông chiều bản thân, lấn sân qua hội "ăn qua app" với nhiều lựa chọn tiết kiệm từ các ứng dụng như GrabFood với danh mục "GrabNgonRẻ" hay "Triệu món 33.000 đồng"…

Vào bếp hay gọi đồ ăn: Gợi ý chiến lược tiết kiệm cho Gen Z - 2
GrabFood với danh mục GrabNgonRẻ, Triệu Món 33.000 đồng… được nhiều bạn trẻ lựa chọn (Ảnh: GrabFood).

Gần đây, GrabFood còn có thêm tính năng giúp tiết kiệm chi phí hơn nữa như lựa chọn hình thức giao đồ ăn tiết kiệm và đặt đơn chung. Các giải pháp này hữu ích đối với Gen Z công sở có nhu cầu đặt đồ ăn trưa hay bữa xế cùng đồng nghiệp, giúp việc ăn uống vừa luôn tiện lợi, vừa kinh tế.