Vàng miếng SJC đứng im 10 phiên liên tiếp, vàng thế giới tăng vọt
(Dân trí) - Giá vàng thế giới tăng hơn 20 USD lên vùng 2.520 USD/ounce, trong khi vàng miếng SJC trong nước "bất động" 10 phiên liên tiếp. Vàng nhẫn liên tiếp có kỷ lục mới, bán ra với giá 78,65 triệu đồng/lượng.
Kết phiên giao dịch ngày 29/8, các doanh nghiệp lớn niêm yết giá vàng miếng SJC tại 79-81 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi sau 10 phiên. Chênh lệch giữa 2 chiều mua - bán là 2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn loại 1-5 chỉ được giao dịch tại 77,4-78,65 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 50.000 đồng mỗi chiều so với trước đó. Riêng loại 0,3-0,5 chỉ được bán ra với giá 78,75 triệu đồng/lượng, mức kỷ lục của mặt hàng này từ trước tới nay.
Với mức điều chỉnh liên tiếp qua nhiều phiên, mỗi lượng vàng nhẫn trơn tăng hơn 1,3 triệu đồng so với đầu tháng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay đạt 2.520 USD/ounce, tăng 20 USD so với rạng sáng qua. Quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng quốc tế hiện thấp hơn giá vàng miếng khoảng 5-5,5 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn là hơn 2,6 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.
Theo các chuyên gia, nhu cầu tìm kiếm loại tài sản trú ẩn an toàn cũng tác động đến khả năng phục hồi của giá vàng trong những phiên gần đây.
Trọng tâm của các nhà đầu tư vàng trong những ngày tới chủ yếu vẫn là dữ liệu kinh tế từ Mỹ. Dự kiến chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ được công bố vào hôm nay (30/8, theo giờ Mỹ). PCE là thước đo lạm phát quan trọng nhất đối với Fed và báo cáo lần này có thể quyết định Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu trong cuộc họp tháng 9.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, hiện thị trường đang đặt cược khả năng 65,5% cho việc Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần hạ đầu tiên vào tháng tới, và 34,5% cho mức giảm 0,5 điểm phần trăm -
Mới đây, ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu (thuộc ngân hàng UOB) cho rằng thị trường có thể kỳ vọng giá vàng sẽ tăng mạnh hơn nữa do bất ổn địa chính trị, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed.
Vị chuyên gia này cho biết kể từ khi bứt phá liên tục trên mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2023, vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khoảng 2 tuần gần đây, giá vàng thế giới giữ ổn định ở vùng giá 2.500 USD/ounce, tương ứng tăng 25% so với mức 2.000 USD/ounce hồi đầu năm.
Mặc dù có thể còn quá sớm để đánh giá, nhưng việc tăng thêm nữa trong dài hạn lên mức 3.000 USD/ounce không phải là điều không thực tế", đại diện UOB nhận định.
Ông John LaForge, Trưởng bộ phận Chiến lược Tài sản Thực tại Wells Fargo, thông tin thêm rằng giá vàng đã tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay, đà tăng có thể bắt đầu chậm lại khi tiến vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, ông cũng không thấy xu hướng tăng này sẽ đảo ngược trong thời gian sớm.
"Giá vàng có thể có một số điều chỉnh, hoặc chỉ tiếp tục leo lên. Hiện, xu hướng vẫn đang là tăng," ông John đánh giá. Mặc dù không phải là mục tiêu chính thức, ông nhận định vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce trong vài năm tới.
Giá USD tự do tiếp tục giảm sâu
Trên thị trường quốc tế, USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 101,3 điểm, tăng 0,27% so với trước đó.
Ngân hàng Nhà nước kết phiên hôm qua niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.221 đồng, tăng 9 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.009-25.432 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 24.660-25.030 đồng (mua - bán), tăng 30 đồng ở chiều mua vào và tăng 10 đồng ở chiều bán ra. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 24.720-25.060 đồng (mua - bán).
Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do giao dịch quanh 25.110-25.200 đồng/USD (mua - bán), giảm 90 đồng ở chiều mua và 100 đồng ở chiều bán ra so với trước đó.