1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vàng đã bị làm giá như thế nào?

Thời gian qua, mỗi khi giá vàng biến động mạnh, một hiện tượng giống như kịch bản lặp đi lặp lại là biên độ vàng được điều chỉnh để kích thích người dân mua vào hoặc bán ra.

Mỗi doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng lại có một mức chênh lệch khác nhau. Điều này tương tự mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới quy đổi. Người dân nhìn bảng niêm yết thì biết là khi mua - bán sẽ được giao dịch ở một mức giá DN công bố, ngoài ra không ai biết về cơ chế điều chỉnh giá, điều chỉnh chênh lệch như thế nào.    
 
Vàng đã bị làm giá như thế nào?  - 1
Rất nhiều người dân đã mua vào khi giá vàng lên 40 triệu đồng/lượng ngày 27/7, vì nghĩ vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh.
  

Tâm sự của người trong cuộc

 

Khi thị trường vàng ở vào thời điểm sôi động và căng như những ngày gần đây, hiện tượng làm giá trên thị trường vàng lại diễn ra. Khi đó người dân mua – bán vàng do thiếu thông tin và vốn. Ngay cả rất nhiều DN cũng chịu tình cảnh khi phải chạy theo sự làm giá này. Hoạt động kinh doanh vàng hiện được miêu tả bằng từ “nghẹt thở”, khiến một chủ DN kinh doanh vàng thuộc hàng nức tiếng tại Hà Nội phải thổ lộ những tâm sự của người trong nghề.

 

“Nhiều người cứ tưởng rằng kinh doanh vàng là lãi nhiều, giàu nhanh nhưng thực tế ở thời điểm này kinh doanh vàng đang lâm vào tình trạng trớ trêu. Một chỉ vàng mua vào bán ra chỉ lãi được từ 5.000-10.000 đồng. Nếu trừ các khoản chi phí đi là lỗ. Như vậy, theo giá thị trường mức lãi này chỉ mua nổi một que kem” vị GĐ (xin được giấu tên) cho biết.

 

Lý giải cho điều vừa nói, vị GĐ này đưa ra con số tính toán cụ thể đối với loại vàng phổ biến nhất được người dân mua - bán là vàng 999,9. Vào thời điểm ngày 18.6.2000 mỗi chỉ vàng có giá mua vào là 470.000 đồng/chỉ và bán ra là 489.000 đồng/chỉ. Với mức chênh 10.000 đồng/chỉ DN thu được lãi là 2% so với giá DN mua vào.

 

Còn ở thời điểm này, lấy giá vàng ngày 28/7/2011 là 3.990.000 - 3.999.000 đồng/chỉ mua vào và bán ra. Mức chênh lệch mua – bán là 9.000 đồng/chỉ, tương đương 0,22% so với giá mua vào. Trong khi đó chi phí sản xuất, kinh doanh lại cao hơn trước kia rất nhiều lần.

 

Thản nhiên làm giá

 

“Khi giá vàng bị đẩy lên cao khiến các DN phải mua đuổi, bán đuổi gây ra lãi giả, lỗ thực. Còn khi giá vàng xuống, họ phải bán hạ giá gây lỗ nhiều. Đặc biệt, khi giá bình ổn thì lại bị hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng việc thu hẹp khoảng cách giữa giá mua và giá bán, gây thiệt hại trực tiếp cho người dân và các DN chân chính” - vị GĐ DN vàng bức xúc.

 

Đại từ “họ” mà vị GĐ này đề cập tới là một số tập đoàn tài chính và ngay cả một số ít DN kinh doanh vàng có số vốn lớn. Bởi trong vài năm trở lại đây, thị trường tài chính bùng nổ, các định chế tài chính nhiều như nấm sau mưa.

 

Và với số vốn lớn, họ tham gia vào ngành NH, CK, bảo hiểm và vàng. Theo lời vị GĐ, chiêu làm giá của các đối tượng này như sau: Khi giá vàng tăng, một số tập đoàn tài chính và DN vàng tung tiền ra thu gom vàng khiến vàng vật chất trở nên khan hiếm. Sự mất cân đối cung – cầu khiến giá vàng tăng đột biến. Tức là nếu người dân bán vàng ra, thấy giá vàng tăng mạnh lại liền mua vào. Nhưng khi đó, giá vàng mua vào đã cao hơn mức giá vừa bán ra (bán thấp rồi mua cao).

 

Đến khi giá vàng quay đầu, các đối tượng làm giá trên xả vàng ra bán phá giá nhằm chốt lời (khi đó, các DN kinh doanh vàng cũng phải hạ giá theo). Người dân nếu bán ra theo xu hướng này thì sẽ lại phải bán ra với giá thấp hơn mua vào. Hiện tượng này không phải chỉ xảy ra một lần mà gần như diễn ra thường xuyên trong mỗi “con sóng” vàng. Như vậy, nếu không tỉnh táo, nhiều người dân sẽ lỗ kép.

 

Mong có hành lang pháp lý

 

Hiện nay, các ngành có liên quan lớn đến tài chính là NH, CK và vàng. Một điều khiến các DN băn khoăn là Nhà nước đã có những quy định chặt chẽ, có các văn bản pháp luật điều chỉnh các hoạt động kinh doanh của ngành NH, CK vào khuôn khổ, trong đó có biên độ giao dịch, biên độ lãi suất... Nhưng với một thị trường có sức ảnh hưởng khá lớn và giành được nhiều sự quan tâm của người dân như vàng, thì tới nay vẫn chưa có quy chế quản lý cụ thể.

 

“Chính vì thế khiến các DN vàng đã thả sức cạnh tranh, thậm chí tới mức không lành mạnh, làm phá giá thị trường vàng” - vị GĐ DN vàng nói.

 

Trong khi đó, Dự thảo quy chế quản lý thị trường vàng mà Thủ tướng Chính phủ giao cho NHNN soạn thảo, hoàn chỉnh để trình Chính phủ phê duyệt và ban hành thì hiện vẫn đang “lơ lửng”.

 

Trước đó và cho tới hiện tại, một số thành viên của Hiệp hội Kinh doanh vàng VN đã gửi đơn đề nghị hiệp hội nhanh chóng kiến nghị với các cơ quan chức năng và trình lên Chính phủ, trước mắt chưa có Quy chế quản lý thị trường thì tạm thời ban hành quy định về biên độ giá mua – giá bán vàng (tương tự như những quy định về biên độ lãi suất tiền vay, tiền gửi của NH và mức tăng giá CP ở TTCK. Một số đề xuất biên độ ở mức 0,3 – 1% bán buôn và từ 0,5- 2% đối với bán lẻ.1

 

Theo Lưu Thủy

Lao động