Vàng có diễn biến lạ: Giá bán ra trong nước bất ngờ ngang giá thế giới
(Dân trí) - Lần đầu tiên sau nhiều năm, giá vàng miếng trong nước đi ngang bằng so với giá thế giới cùng ở mức 90,7 triệu đồng/lượng. Trong khi nhiều tháng trước đó, mức chênh luôn quanh mốc 3-5 triệu đồng/lượng.
Cuối phiên giao dịch ngày 13/2, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 87,7-90,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 500.000 đồng ở chiều bán so với kết phiên trước đó. Chênh lệch giữa giá mua và bán là 3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn được niêm yết tại 87,7-90,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1 triệu đồng ở chiều mua và tăng 800.000 đồng ở chiều bán ra.
Trước đó, giá vàng miếng và vàng nhẫn đồng loạt lập đỉnh cao nhất mọi thời đại trong phiên ngày 11/2. So với đỉnh kỷ lục, giá bán ra của vàng miếng SJC hiện giảm 2,4 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn trơn cũng mất 1,2 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng hôm nay (theo giờ Việt Nam) đang quanh 2.931 USD/ounce, tăng 30 USD so với trước đó. Phiên 11/2, có thời điểm kim loại quý lên mốc 2.942 USD/ounce, lập kỷ lục.
Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng quốc tế hiện tương đương 90,7 triệu đồng/lượng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, giá vàng miếng trong nước đi ngang bằng so với giá thế giới cùng ở mức 90,7 triệu đồng/lượng. Nhiều tháng qua, chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới luôn quanh mốc 3-5 triệu đồng/lượng. Thời điểm cuối năm 2023, giá quốc tế thấp hơn trong nước đến 18-20 triệu đồng/lượng.
Giá vàng có xu hướng tăng mạnh trong phiên hôm qua trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp các mức thuế đối ứng (reciprocal tariffs) đối với các quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu của Mỹ, làm gia tăng lo ngại về thương mại toàn cầu.

Giá bán ra của vàng miếng SJC bất ngờ ngang giá thế giới (Ảnh: Mạnh Quân)
Tuy nhiên, đà tăng của kim loại quý này bị hạn chế khi báo cáo công bố trong ngày cho thấy, giá sản xuất tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 1. Dữ liệu mới nhất cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lạm phát vẫn gia tăng và củng cố kỳ vọng của thị trường tài chính rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hoãn bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào cho đến nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell tại phiên điều trần thứ 2 trước Quốc hội diễn ra trong tuần này, đã tái khẳng định rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ không vội cắt giảm lãi suất.
Bob Haberkorn, Chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho rằng, bất chấp những lực cản như lạm phát tăng, quan điểm "diều hâu" từ người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn vẫn đổ vào vàng.
Tỷ giá USD ngân hàng hạ nhiệt
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố liên tục tăng trong 8 phiên gần nhất, ghi nhận mức kỷ lục 24.572 đồng/USD vào ngày 13/2, tức tăng 22 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5% hiện tại, các ngân hàng được phép giao dịch USD trong khoảng 23.344-25.799 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.270-25.660 đồng (mua - bán). Ngân hàng cổ phần giao dịch USD tại vùng giá 25.250-25.670 đồng. Các ngân hàng bất ngờ điều chỉnh giá USD giảm 80-120 đồng mỗi chiều từ mức kỷ lục thiết lập trước đó.
Trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh được giao dịch tại 25.660-25.750 đồng (mua - bán), giảm 10 đồng mỗi chiều so với phiên liền trước.