Vận rủi đeo bám ụ nổi tai tiếng 83M

Tương lai bất định vẫn chưa buông tha ụ nổi 83M - vật chứng tai tiếng trong vụ “đại án” tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Số phận ụ nổi 83M mà Vinalines phải bỏ ra tới 9 triệu USD (vượt gần 3 lần giá trị thực) để mang về từ Nga lẽ ra đã có một cái kết tươi sáng hơn, nếu như không có cái chết bất ngờ của Tổng giám đốc Nhà máy Đóng tàu Ba Son Nguyễn Thế Vinh vào tháng 4/2014.

 

Vận rủi đeo bám ụ nổi tai tiếng 83M
Ụ nổi 83M còn là chủ thể của vụ tranh chấp quyết liệt giữa Công ty Hàng hải Đồng Nai - chủ cảng Gò Dầu B và Vinalines

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

* Vinalines, Vinashin đang được tái cơ cấu thế nào?

* Hoãn biểu quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm ở 2 mức

 

Ông Vinh chính là người đã nhận ra việc ụ nổi 83M đang neo đậu vạ vật tại cảng Gò Dầu B (Đồng Nai) vẫn có thể hữu dụng tại cơ sở mới của Nhà máy Đóng tàu Ba Son đang trong quá trình xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Theo ông Lê Triệu Thanh, Phó tổng giám đốc Vinalines, vào tháng 3/2014, sau 3 lần cử đoàn khảo sát cùng lãnh đạo Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY), Nhà máy Đóng tàu Ba Son đã đề xuất 2 phương án hợp tác hoặc chuyển nhượng ụ nổi 83M.

 

Cụ thể, trong phương án 1, Nhà máy Đóng tàu Ba Son nhận chuyển nhượng theo thực trạng trên cơ sở thẩm định lại giá trị thực tế và sẽ tự di chuyển ụ nổi về cơ sở của Nhà máy để thực hiện sửa chữa, đưa vào hoạt động.

 

Với phương án 2, Nhà máy và VNLSY cùng khảo sát lập dự toán tổng thể các chi phí sửa chữa để đưa ụ nổi 83M về tình trạng sẵn sàng hoạt động. Phía Ba Son sẽ tự di chuyển, ứng toàn bộ vốn sửa chữa, sau đó hai bên tiến hành bàn giao chính thức ụ nổi 83M trong trạng thái sẵn sàng hoạt động cho Nhà máy Sửa chữa, Đóng mới tàu biển Quân đội.

 

“Với cả hai phương án trên, Vinalines chắc chắn thu hồi một khoản kinh phí lớn hơn nhiều so với việc “hóa khiếp” ụ nổi bằng cách bán sắt vụn”, lãnh đạo Vinalines cho biết.

 

Trước đó, tại phiên toàn sơ thẩm (tháng 12/2013) và phúc thẩm (5/2014), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C48) đã xác định, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP - Singapore, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 366,9 tỷ đồng.

 

Được biết, điều kiện cần duy nhất mà Ba Son đặt ra là chủ ụ nổi phải hoàn thiện mọi thủ tục giấy tờ, trong đó có việc đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an chính thức có văn bản đưa ụ nổi 83M ra khỏi danh sách vật chứng của vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng tại Vinalines”.

 

“Việc Tổng giám đốc Nhà máy Đóng tàu Ba Son đột ngột qua đời khiến mọi kế hoạch chuyển nhượng, hợp tác xử lý ụ nổi 83M phải tạm dừng”, ông Thanh tiếc nuối.

 

Cần phải nói thêm rằng, đây vẫn chưa phải là “vận rủi” duy nhất đang đeo bám ụ nổi khốn khổ này. Hiện ụ nổi 83M là chủ thể của vụ tranh chấp quyết liệt giữa Công ty Hàng hải Đồng Nai - chủ cảng Gò Dầu B và Vinalines. Sau khi đề nghị thanh toán 26,871 tỷ đồng tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố cho ụ nổi 83M từ tháng 12/2010 đến 1/1/2013, nhưng không được hồi đáp, Công ty Hàng hải Đồng Nai đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Long Thành (Đồng Nai).

 

Vào cuối tháng 12/2013, Tòa án Nhân dân huyện Long Thành tiến hành phiên hòa giải lần hai giữa các bên liên quan. Tại phiên hòa giải này, Công ty Hàng hải Đồng Nai đồng ý có đơn xin rút đơn kiện và sẽ khởi kiện vào thời gian thích hợp. Đổi lại, Vinalines chấp nhận thanh toán sớm cho chủ cảng 70% số tiền phí neo đậu, trực sự cố.

 

Tuy nhiên, do Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam dừng thực hiện và Công ty VNSLY từ năm 2011 đến nay không có hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên không có bất cứ nguồn tài chính để cam kết thời gian thanh toán.

 

Đây là lý do khiến vụ tranh chấp này được đẩy lên đỉnh điểm, khi đầu tháng 4/2014, Công ty Hàng hải Đồng Nai có văn bản “đe” Vinalines rằng, nếu không thanh toán công nợ trong tháng 4/2014, sẽ thông qua các cơ quan hành án để thực hiện kê biên/bắt giữ tàu biển của chính công ty mẹ.

 

Hiện Vinalines đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải có ý kiến với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an dừng thẩm định giá trị hiện tại của ụ nổi 83M và đưa ụ nổi này ra khỏi danh sách tang vật của Vụ án.

 

“Chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn các bước đi cần thiết để thanh lý, nhượng bán ụ nổi 83M, nhằm thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm thiểu thiệt hại liên quan đến chi phí quản lý, bảo vệ khối tài sản này”, ông Thanh đề nghị.

 

Theo Anh Minh

Đầu tư
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”