Ụ nổi No83M của Vinalines có thành sắt vụn?
Cùng ngày bị can Dương Chí Dũng bị bắt giữ, sáng qua (5/9), Bộ GTVT đã có cuộc họp bàn cách xử lý ụ nổi N083M.
Ụ nổi No83M đang phơi nắng phơi mưa chờ được khai thác.
Việc sai phạm ở Vinalines (VNL) đang chờ các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, việc cần làm ngay là cứu sống ụ nổi trị giá gần nửa nghìn tỉ đồng này để giảm thiệt hại. Trong nhiều tháng qua VNL đã chỉ đạo Cty TNHH sửa chữa tàu biển VNL xây dựng các phương án nhằm đưa ụ nổi N083M vào khai thác.
"Hiện Cty đã xây dựng các phương án nhằm đưa ụ nổi N083M vào khai thác." Ông Vũ Phước Long - Phó TGĐ phụ trách của Cty TNHH sửa chữa tàu biển VNL - cho biết "Tuy nhiên, mỗi phương án đều có những khó khăn nhất định và đang chờ ý kiến quyết định từ Bộ GTVT cũng như các bộ, ngành có liên quan".
Phương án thứ nhất là liên doanh khai thác với đối tác ST Marine của Singapore. Đây là Cty công nghiệp hàng hải của nhà nước Singapore, có nhà máy đóng tàu tại Singapore, chuyên đóng các tàu dòng công nghệ cao như tàu dầu khí, hóa chất đa năng...
Hiện tại, với ưu thế kích thước rộng, sức nâng còn đạt 16,5 vạn tấn, ụ nổi N083M có thể lên đốc được tàu có trọng tải 4 vạn DWT. Nếu việc liên doanh thành công có thể ụ nổi sẽ hoạt động hiệu quả, vì hiện các tàu của VNL từ 2,3 vạn DWT đều phải ra nước ngoài sửa chữa.
Đối tác Singapore cũng có thế mạnh về nguồn tàu sửa chữa và đóng mới, nên nhiều khả năng ụ nổi sẽ được khai thác hiệu quả. Hiện đối tác sẵn sàng ký ghi nhớ liên doanh từ tháng 7.2012, song do phục vụ việc điều tra nên ngày 4.8 hội đồng thành viên của VNL mới thông qua nghị quyết cho phép Cty ký bản ghi nhớ.
Phương án thứ hai là VNL đang tìm kiếm các khả năng hợp tác khai thác với các đơn vị trong nước và nước ngoài. Một số khả năng hợp tác đang được đặt ra với Nhà máy đóng tàu Nauy STX tại Khu công nghiệp Đông Xuyên Vũng Tàu hoặc Nhà máy đóng tàu Dung Quất của Vinashin.
Phương án thứ ba là tìm đối tác cho thuê định hạn và đối tác có thể kéo ra nước ngoài để khai thác. Tuy nhiên, nhiều đối tác nước ngoài đã rút lui vì họ ngại dính vào tang vật của vụ án đang được điều tra.
Phương án cuối cùng là VNL sẽ tự đầu tư tài chính để đưa ụ nổi vào khai thác. Với phương án này, Cty sẽ phải hoàn thành các điều kiện về hạ tầng ban đầu. Hiện chưa có đường bộ vào ụ nổi mà mới chỉ có đường thủy nên muốn đưa ụ nổi vào khai thác,trước hết phải được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp GCN quyền sử dụng đất.
Sau đó là hoàn thiện hệ thống mặt bằng sản xuất 3ha, đường nối từ ụ nổi ra đường của cảng Sao Biển dài 5-7km, nạo vét vùng hoạt động của ụ nổi đảm bảo độ sâu -18,5m, làm thêm các trụ tựa hệ thống định vị ụ nổi, sửa chữa gia cố để đảm bảo tiêu chuẩn đăng kiểm...
Với khối lượng công việc này, sẽ cần khoản kinh phí khái toán khoảng 250 tỉ đồng, trong vòng 6 tháng sẽ có thể đưa ụ nổi vào hoạt động. Tuy nhiên, ông Long cũng nêu khó khăn nhất là hiện nay chưa biết lấy nguồn vốn này từ đâu.
Việc phán xét trách nhiệm mua ụ nổi không hiệu quả là của các cơ quan chức năng. Song việc cấp bách nhất hiện nay là “cứu sống” ụ nổi No83M, để khoản tiền đầu tư lớn kể trên không thất thoát thêm. Bởi nếu cứ để chờ và phơi nắng phơi mưa thì chẳng chóng thì chày, chiếc ụ nổi nghìn tỉ sẽ chỉ còn là đống sắt vụn.
Được biết Vinalines mua ụ nổi No83M đã qua sử dụng 43 năm, vượt 28 năm so với quy định. Giá mua ụ nổi và chi phí sửa chữa hai lần tại Việt Nam là 489,6 tỉ đồng (khoảng 26,3 triệu USD), tương đương 70% giá đóng ụ nổi mới.
Theo Bích Liên