Ủy ban Kinh tế tán thành đưa ngành ô tô vào kinh doanh có điều kiện

(Dân trí) - Tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra ngày 8/11, Ủy ban Kinh tế đã thống nhất tán thành với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể, theo Ủy ban Kinh tế hiện có hai ý kiến và quan điểm về đề xuất đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, trong đó khẳng định: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014. Chính phủ đưa ra các định hướng cụ thể, “nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế” và “bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư”.

Xếp vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện, sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ phải tuân thủ nhiều quy định, quy chuẩn khác nhau
Xếp vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện, sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ phải tuân thủ nhiều quy định, quy chuẩn khác nhau

Tuy nhiên, theo quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư 2014, Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Việc thay đổi chính sách đối với sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô sau khi Luật đầu tư có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, làm mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là việc bảo hành, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.

Do vậy, việc bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng nêu trên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng

Ý kiến thứ hai là đề nghị làm rõ việc bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hay yêu cầu quản lý nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật không?

Bởi hiện việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các phương tiện giao thông như mô tô, xe máy, đầu máy, toa xe tàu hỏa, tàu điện, cáp treo đều không quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm định kỳ. Đối với ô tô khi đưa vào sử dụng cũng phải thực hiện việc đăng kiểm định kỳ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng; đồng thời có quy định chặt chẽ về niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người.

Nếu coi nhập khẩu ô tô là ngành, nghề cần hạn chế kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng thì tại sao không hạn chế việc nhập khẩu xe máy và các phương tiện giao thông khác. Do đó, đề nghị cân nhắc việc bổ sung nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, cuối cùng Ủy ban kinh tế cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Trước đó, trong tối 8/11, trả lời câu hỏi của các phóng viên về đề xuất đưa ngành ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng: Ô tô hiện là sản phẩm kỹ thuật cao, có tác động lớn đến môi trường, đến con người và xã hội. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn non trẻ so với các nước, do đó quan điểm của Bộ KH&ĐT đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào nhóm kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, xã hội và đất nước, bảo hộ sản sản xuất ô tô, ngăn chặn nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác ô tô cũ, ô tô kém chất lượng.

Trả lời câu hỏi của PV báo Dân Trí về việc tại sao qua 14 năm duy trì bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước, ngành sản xuất ô tô Việt Nam mãi bé, chưa thể trở thành ngành công nghiệp lớn mạnh, trong khi đó, cùng thừa hưởng những chính sách, ưu đãi hơn 20 năm qua Thái Lan đã tạo ra được ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh tầm cỡ Châu Á. Và việc tiếp tục đưa ra việc bảo hộ ngành này, tương lai gần Việt Nam có ngành công nghiệp ô tô hay không?, Thứ trưởng Đông cho rằng: Nếu so sánh Việt Nam với Thái Lan, chúng ta cần xem xét từ nhiều điều kiện, trong đó đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người và các chính sách cụ thể.

"Việt Nam đã có nhiều chính sách nhưng quan điểm của chúng tôi cho rằng có thể chính sách của Việt Nam chưa phù hợp. Chúng tôi không khẳng định bao giờ Việt Nam có ngành công nghiệp ô tô, nhưng nếu không đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện thì 5 -10 năm tới chúng ta sẽ mất ngành sản xuất ô tô trong nước, hoàn toàn phụ thuộc vào ô tô nhập khẩu", Thứ trưởng Đông khẳng định.

Trước đó, trong dự án luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cách đây hơn 1 tuần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung có thêm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nguyễn Tuyền