Ức chế lỗi hệ thống, giới đầu tư chứng khoán "bó tay" nhìn thị trường

Mai Chi

(Dân trí) - Thanh khoản trên thị trường chứng khoán có dấu hiệu cải thiện, VN-Index có hai phiên chào xuân Tân Sửu rất đẹp nhưng điều khiến nhà đầu tư bức xúc vẫn là tình trạng "đơ", "nghẽn" hệ thống.

Mặc dù đạt được kết quả tăng mạnh trong phiên 18/2, tuy nhiên, diễn biến gần như suốt toàn phiên giao dịch của VN-Index lại giằng co căng thẳng và chỉ thực sự đột phá vào những phút giao dịch cuối, đặc biệt là đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC).

Cụ thể, VN-Index kết phiên 18/2 tăng 18,6 điểm tương ứng 1,61% lên 1.174,38 điểm trong khi HNX-Index tăng 0,38 điểm tương ứng 0,17% lên 230,96 điểm còn UPCoM-Index giảm 0,39 điểm tương ứng 0,51% còn 75,35 điểm.

Diễn biến này của VN-Index về con số tạo được kết đẹp cho chỉ số và thị trường chung. Nhiều nhà đầu tư hưởng lợi do cổ phiếu tăng bất ngờ. Tuy nhiên, cũng chính bởi tính bất ngờ này mà phần lớn các nhà đầu tư bị lỡ các kế hoạch mua - bán trong phiên.

Ức chế lỗi hệ thống, giới đầu tư chứng khoán bó tay nhìn thị trường - 1

Nhiều cổ phiếu trong rổ VN30 tăng giá, chỉ số gây bất ngờ vào cuối phiên

Thanh khoản phiên này đã có sự cải thiện lớn so với phiên trước đó và các phiên trước Tết. Dòng tiền vào thị trường ghi nhận mức 18.097,8 tỷ đồng, tăng 13,5% so với phiên 17/2 và chủ yếu là giao dịch khớp lệnh.

Điểm trừ chính là tình trạng "đơ hệ thống", "nghẽn mạng" tái diễn gây ức chế cho nhà đầu tư và không ít người bị thiệt hại.

Nếu như các phiên trước đây, thị trường chỉ rơi vào tình trạng này khi thanh khoản chớm 15.000 tỷ đồng thì ở phiên này, trên HSX thanh khoản mới chỉ 12.000 tỷ đồng - 13.000 tỷ đồng là hầu hết nhà đầu tư đã không thể giao dịch.

"Đặt lệnh không khớp, lệnh bị trả về đã đành, tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu với việc bảng giá bị loạn, muốn mua muốn bán nhưng không biết được nào mà lần. Trò bịt mắt đoán đường này rõ ràng khiến chúng tôi bị thiệt hại mà không hiểu tại sao HSX vẫn chưa khắc phục được?" - anh Nguyễn Thanh Tuấn, một nhà đầu tư bức xúc.

Lãnh đạo HSX gần đây giải thích, nguyên nhân nghẽn lệnh truyền từ các công ty chứng khoán vào hệ thống của HSX bước đầu tìm hiểu là do số lượng lệnh giao dịch tăng nhanh khi số nhà đầu tư tăng, số tài khoản tăng, số cổ phiếu và chứng khoán mới gia nhập thị trường lớn, cùng với khả năng các robot được sử dụng để đặt lệnh.

Theo đó, cơ chế tự bảo vệ của hệ thống được kích hoạt khi có quá nhiều lệnh tham gia giao dịch, trong đó bao gồm cả các lệnh sửa hủy, nhằm bảo vệ an toàn chung cho hệ thống giao dịch toàn thị trường.

Đây là hiện tượng khá bất ngờ, khó dự kiến chính xác khi tốc độ tăng trưởng tính bằng lần của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Điều gây thất vọng với nhà đầu tư đó là lãnh đạo HSX từ cách đây hai tháng đã khẳng định sẽ tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục thế nhưng đến thời điểm, tình trạng này vẫn tái diễn.

Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HSX vừa qua cũng đã có cuộc họp với các công ty chứng khoán lớn để đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục.

Qua khảo sát và kiểm tra thực tế, UBCKNN đánh giá hiện tượng nghẽn lệnh do một số nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do năng lực thiết kế của hệ thống giao dịch của HSX có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua. 

Để đảm bảo cho hoạt động thông suốt của thị trường, khắc phục tình trạng quá tải hệ thống giao dịch, UBCKNN đã báo cáo Bộ Tài Chính và chỉ đạo HSX triển khai đồng thời và đồng bộ nhiều giải pháp kể cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Theo đó, về ngắn hạn, các đơn vị liên quan thực hiện ngay các giải pháp để tối ưu hóa lượng lệnh giao dịch nhập vào hệ thống (trong đó có việc nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu để hạn chế giao dịch lô lẻ từ ngày 4/1).

Về giải pháp trung hạn, UBCKNN đã yêu cầu HSX nghiên cứu nâng cấp hệ thống dự phòng cho hệ thống giao dịch hiện tại, đảm bảo các giao dịch diễn ra suôn sẻ, thông suốt cho đến khi hệ thống Công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động.

Về giải pháp dài hạn, HSX và các đơn vị được giao đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống KRX sớm vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để có thể giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch.

Trở lại với diễn biến thị trường phiên 18/2, sức bật của chỉ số chủ yếu nhờ "kéo trụ" cuối phiên. Trong rổ VN30 chứng kiến một số mã có mức tăng tích cực là TCH tăng 6,1%; GAS tăng 3,7%; MSN tăng 3,4%; VRE tăng 3,3%; BID tăng 3,1%; KDH tăng 2,4%... VCB; VHM, SAB, VIC cũng tăng giá khá mạnh và đóng góp đáng kể cho chỉ số. GVR tăng trần lên 27.450 đồng.

Mặc dù vẫn có 333 mã giảm giá, 19 mã giảm sàn nhưng bức tranh thị trường khả quan với số lượng mã tăng vẫn giữ vị thế áp đảo, đạt 554 mã, có 65 mã tăng trần.

Ở phiên này, khá nhiều cổ phiếu penny và midcap tăng giá mạnh. IMP, DCM, FIT tăng trần, DPM tăng 6,4%; NLG tăng 5,7%; SAB tăng 6,1%; TDH, ACL, HTN cũng tăng trần; CCL tăng 6,4%; FTM tăng 6,3%; DLG tăng 4%...

Thông tin rất đáng chú ý với nhà đầu tư là trong khi nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng 586,2 tỷ đồng trên sàn HSX thì khối tự doanh chỉ bán ròng nhẹ 0,1 tỷ đồng, nhà đầu tư tổ chức (không bao gồm tự doanh) mua ròng tới 119,7 tỷ đồng. Riêng khối ngoại mua ròng 466,5 tỷ đồng trên HSX và mua ròng tổng cộng 587,3 tỷ đồng trên toàn thị trường thông qua khớp lệnh.