Ứa nước mắt nhìn thảm cảnh trang trại đầu tư hàng chục tỷ bị lũ nhấn chìm

(Dân trí) - Trận lũ lịch sử không chỉ gây thiệt hại về người mà còn khiến nhiều tài sản, công trình trên địa bàn Thanh Hóa bị lũ cuốn trôi. Nhiều trang trại được đầu tư hàng chục tỷ đồng cũng đã bị cơn lũ quét sạch. Lũ đi qua, người dân ứa nước mắt nhìn tài sản hàng tỷ đồng bị nhấn chìm, cuốn trôi.

Ứa nước mắt nhìn hàng tỷ đồng bị lũ nhấn chìm

Những ngày sau khi trận lũ lịch sử quét qua, nhìn những vườn cây ăn quả, cây cảnh được đầu tư theo mô hình trang trại của Công ty Cổ phần tư vấn Phú Giang, tại huyện Thọ Xuân ít ai có thể nhận ra. Những vườn cây gần như được nhuỗm một màu vàng nâu của đất.

Nhiều diện tích cây đào phục vụ Tết đã chết rục, hàng chục héc ta cây bưởi trước đó còn xanh tốt đã bắt đầu héo lá.

Hàng nghìn gốc đào phục vụ Tết đã chết rục do bị ngập lụt
Hàng nghìn gốc đào phục vụ Tết đã chết rục do bị ngập lụt

Chỉ tay vào hàng cột điện, anh Nguyễn Tài Sơn, quản lý trang trại, nói: “Nước lũ cao gần lút cột điện, còn cây cối ngập lút tăm giữa biển nước. Toàn bộ cây cối, hệ thống tưới tiêu đầu tư lâu nay coi như mất hết”. Nói đoạn anh Sơn cúi mặt xuống nhìn quanh đâu đâu cũng là cảnh cây cối gần như chết khô mà nghẹn ngào.

Trang trại này đi vào hoạt động từ giữa năm 2016. Tổng diện tích cây ăn quả, mặng bát độ của trang trại bị thiệt hại do trận lũ lụt vừa qua khoảng gần 30 héc ta. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống nước tưới tiêu nhỏ dọt đã bị chôn vùi, cuốn trôi.

Nước lụt quét tan tác 11 héc ta măng bát độ
Nước lụt quét tan tác 11 héc ta măng bát độ

Ông Nguyễn Đình Thọ, Giám đốc Công ty tư vấn Phú Giang, chia sẻ: “Theo sự kêu gọi đầu tư của địa phương, tháng 6 năm 2016, chúng tôi bắt đầu nhận đất thầu, đất bãi của 2 xã Hạnh Phúc và Thọ Nguyên với diện tích khoảng gần 40 héc ta. Công ty đã tập trung đưa cây vào trồng, với mô hình sản xuất các loại cây ăn quả và măng bát độ”.

Đến cuối năm 2016 đã trồng được 11 héc ta măng bát độ theo hướng sản xuất rau an toàn; sang đầu năm 2017, trồng thêm khoảng 12 héc ta các loại bưởi, trong đó trồng xen các loại cây ngắn ngày như đào và quất; ngoài ra còn trồng 2 héc ta chanh tứ quý; đến giữa năm 2017, tiếp tục trồng thêm khoảng thêm 3 héc ta na Thái và một số cây lâm nghiệp trồng xen. Tổng mức đầu tư trên dưới 12 tỷ đồng cho gần 30 héc ta xuống giống cây trồng.

Chủ trang trại phải thuê hàng chục nhân công cùng với công nhân tiến hành dọn dẹp, cứu vãn những gì còn sót lại
Chủ trang trại phải thuê hàng chục nhân công cùng với công nhân tiến hành dọn dẹp, cứu vãn những gì còn sót lại

Tuy nhiên, tưởng chừng như mọi thứ đã đi vào quỹ đạo thì trận lũ lịch sử 10 năm qua lặp lại đã nhấn chìm gần như toàn bộ diện tích, có nơi ngập sâu 5,5 - 6m. Những diện tích cây trồng trên dưới một năm tuổi, sức chịu đựng kém, trong khi thời gian lũ kéo dài nên đã bị thiệt hại nặng nề.

Cho đến nay qua theo dõi, toàn bộ số cây đang trong tình trạng khô lá và xuất hiện khô đến thân. Theo nhận định của công ty và các chuyên gia thì rất khó khăn trong việc cứu sống lại số cây này. Mức độ thiệt hại do trận lũ vừa qua đối với trang trại là gần 80%.

Tổng diện tích của trang trại thuộc Công ty cổ phần tư vấn Phú Giang bị ngập lụt là gần 30 héc ta
Tổng diện tích của trang trại thuộc Công ty cổ phần tư vấn Phú Giang bị ngập lụt là gần 30 héc ta

Sau khi lũ rút đi, công ty đã tập trung cán bộ công nhân và thuê khoảng 30 lao động địa phương để tập trung dọn dẹp, cứu chữa, tuy nhiên, khả năng cứu sống số diện tích cây trồng bị thiệt hại là rất thấp.

Còn tại trang trại của anh Đỗ Xuân Sơn, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân với tổng diện tích 6,5 héc ta cũng bị ngập lụt. Trong đó ngập sâu khoảng 2,5 héc ta, chủ yếu là cam đang thu hoạch bị ngập úng, có nơi ngập sâu đến 2m.

Vườn cam đang thu hoạch của anh Đỗ Xuân Sơn đã bị ngập lụt nặng
Vườn cam đang thu hoạch của anh Đỗ Xuân Sơn đã bị ngập lụt nặng

Đợt mưa lũ đã khiến khoảng 900 cây cam với trên dưới 40 tấn quả đang cho thu hoạch bị rụng; khoảng 2 tấn cá bị trôi; bưởi da xanh bị ảnh hưởng, rụng khoảng 3 - 4 tấn. Tổng thiệt hại của đợt lũ vừa qua đối với trang trại của anh Sơn khoảng 1,5 tỷ đồng.

Sản phẩm đến kỳ thu hoạch bị mất trắng, trong khi đó, mỗi ngày anh Sơn còn phải thuê khoảng 10 nhân công thu dọn cam, bưởi rụng đem đi đổ. Đồng thời, phải dùng 6 máy bơm cỡ lớn để hút nước ngập trong vườn ra ngoài nhằm cứu vãn lại vườn cây.

Khoảng 900 cây cam bị rụng đầy gốc
Khoảng 900 cây cam bị rụng đầy gốc

Theo đánh giá ban đầu của anh Sơn thì sau đợt mưa lũ, khoảng 30 - 40% số cây có thể bị chết do ngập nước. Toàn bộ những diện tích bị thiệt hại đang đến thời kỳ kinh doanh.

“Từ khi tôi ra đây đầu tư làm trang trại, chưa năm nào nước lũ lớn như vậy cả, nước lên nhanh quá không kịp trở tay. Những ngày trời khô ráo, ra vườn nhìn cây cối, ao chuồng thì đúng là không muốn vào nhà, nhưng bây giờ ra vườn ứa nước mắt, xót xa lắm”, anh Sơn chia sẻ.

Anh Sơn buồn rầu khi ra thăm vườn cam thiệt hại sau khi lũ rút
Anh Sơn buồn rầu khi ra thăm vườn cam thiệt hại sau khi lũ rút
Nhiều cây bắt đầu chết do bị ngập úng
Nhiều cây bắt đầu chết do bị ngập úng
Anh Sơn bị thiệt hại hơn 40 tấn cam và bưởi đang cho thu hoạch
Anh Sơn bị thiệt hại hơn 40 tấn cam và bưởi đang cho thu hoạch

Duy Tuyên