Thông tin doanh nghiệp tuần qua:

Tỷ phú Vượng lập công ty dạy lái xe; cổ phiếu nhà Cường "Đô La" biến động

Mai Chi

(Dân trí) - Tham vọng mới của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi mở công ty đào tạo và sát hạch lái xe thuần điện đầu tiên; biến động cổ phiếu QCG, VHM… gây chú ý tuần qua.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập công ty đào tạo, sát hạch lái xe

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - ngày 24//10 vừa công bố thành lập Công ty cổ phần VinDT, cung cấp dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam.

Công ty này được thành lập ngoài mục tiêu phổ cập kỹ năng lái xe ô tô cho đông đảo người dân còn nhằm tăng cơ hội tiếp cận của người dân với ô tô điện.

Công ty trên cung cấp dịch vụ học và thi giấy phép lái xe hoàn toàn bằng xe điện VinFast. Việc phổ cập kỹ năng lái xe điện cũng được cho là sẽ giúp mở ra một cơ hội nghề nghiệp mới cho một bộ phận người lao động phổ thông, nhờ hợp tác chiến lược giữa VinDT và Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (đơn vị sở hữu taxi Xanh SM).

Theo nhận định của doanh nghiệp, tài xế taxi điện đang được xem là một lựa chọn công việc tốt cho người lao động phổ thông, đặc biệt là phái nữ.

Doanh nghiệp của tỷ phú Vượng cũng không giấu tham vọng trở thành đơn vị đào tạo lái xe thuần điện đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, quy mô dự kiến đạt 20 cơ sở trên cả nước.

Tỷ phú Vượng lập công ty dạy lái xe; cổ phiếu nhà Cường Đô La biến động - 1

Ông Phạm Nhật Vượng mở công ty mới (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai hết tăng trần đến bị bán tháo

Trong phiên giao dịch ngày 23/10, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai gây chú ý khi quay đầu giảm sàn về 10.300 đồng, trắng bên mua. Khớp lệnh tại QCG đạt 1,8 triệu đơn vị trong đó có 890.200 cổ phiếu được giao dịch ở mức giá sàn; dư bán giá sàn còn 720.500 cổ phiếu.

Trước đó, QCG có chuỗi tăng rất ấn tượng với nhiều phiên tăng trần. Tính đến hết phiên 22/10, QCG đã tăng hơn 64% so với thời điểm đầu tháng.

Với phiên giảm sàn hôm 23/10, QCG góp mặt trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index, mức độ ảnh hưởng là 0,05 điểm.

Tuy vậy, điều bất ngờ là đến phiên 24/10, tình hình tại QCG lại đảo ngược . Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai sau khi bị chốt lời, thậm chí dư bán giá sàn trong phiên trước thì ngay phiên sau đã quay lại đường đua, tăng trần lên 11.000 đồng và có dư mua giá trần, khớp lệnh 2,6 triệu cổ phiếu.

Doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, trùm phân phối xe sang lãi bao nhiêu?

Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - mã chứng khoán: HAX) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với kết quả kinh doanh tăng đột biến. Doanh nghiệp này là đơn vị phân phối ủy quyền chiếm phần lớn thị phần của dòng xe sang Mercedes - Benz tại Việt Nam.

Dữ liệu báo cáo cho thấy, doanh thu thuần trong kỳ của Haxaco ghi nhận mức 1.535,6 tỷ đồng, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do đặc thù ngành kinh doanh, phân phối xe nên giá vốn rất lớn, lên tới 1.361,4 tỷ đồng trong kỳ, tăng 29,6%. Lãi gộp ghi nhận trong kỳ còn 174,2 tỷ đồng, tăng 169%. Biên lãi gộp cải thiện từ mức 6,15% lên 12,8%.

Kết thúc quý III, công ty có lãi trước thuế đạt 113,2 tỷ đồng, gấp 11,3 lần cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 90,3 tỷ đồng, gấp 10,9 lần. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp phân phối xe Mercedes và MG ghi nhận mức doanh thu thuần 3.695,9 tỷ đồng, tăng 27,2%. Lãi sau thuế 9 tháng tăng gấp gần 10 lần cùng kỳ, đạt 144 tỷ đồng.

Vốn hóa Vinhomes vượt 200.000 tỷ đồng trước thềm thương vụ lịch sử

Diễn biến thị trường chứng khoán trong sáng 21/10 nhìn chung khá ảm đạm với thanh khoản thấp, chỉ số giằng co, gần như đi ngang trong biên hẹp.

VN-Index "xanh vỏ đỏ lòng" do sức kéo từ VHM. Chỉ riêng diễn biến tăng tại cổ phiếu Vinhomes đã giúp VN-Index tăng hơn 2 điểm. Bên cạnh đó, VIC cũng đóng góp 0,6 điểm cho chỉ số chính.

Cổ phiếu Vinhomes tăng 4,2% lên 47.150 đồng với khớp lệnh lên tới 13,6 triệu đơn vị. Theo đó, mức thị giá của VHM đã lập đỉnh mới, cao nhất 52 tuần và đưa giá trị vốn hóa thị trường của Vinhomes vượt mốc 200.000 tỷ đồng, đạt 205.308,4 tỷ đồng.

Mới đây Vinhomes đã công bố kế hoạch mua lại 370 triệu cổ phiếu VHM. Thời gian giao dịch dự kiến từ 23/10 đến 21/11. Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua công ty chứng khoán, phù hợp với quy định của pháp luật.

Mục đích của giao dịch được phía doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định là để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông trong bối cảnh thị giá VHM trên thị trường chứng khoán đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực. 

2 người phụ nữ nắm phần lớn cổ phần ở bệnh viện ông Trầm Bê

Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần đạt 173,2 tỷ đồng, tăng 4,3% so với kỳ trước.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng mạnh 11,6%, tốc độ tăng mạnh hơn so với doanh thu, theo đó lãi gộp của bệnh viện ghi nhận suy giảm hơn 29% còn 21 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 17,8% xuống còn 12,1%. Toàn bộ phần giá vốn đều là giá vốn khám chữa bệnh.

Sau khi khấu trừ các chi phí, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Bệnh viện Triều An còn 10,9 tỷ đồng, chỉ bằng 54,7% của kỳ trước. Lãi sau thuế đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 45,3%.

Đến nay, vốn điều lệ của Bệnh viện Triều An đã được nâng lên 590 tỷ đồng. Tại ngày 30/6, vốn góp thực tế vẫn là 490 tỷ đồng còn vốn chưa góp là 100 tỷ đồng.

Tỷ phú Vượng lập công ty dạy lái xe; cổ phiếu nhà Cường Đô La biến động - 2

Hai người phụ nữ là cổ đông lớn của Bệnh viện Triều An (Ảnh minh họa: AI).

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, tại ngày 30/9, cổ đông lớn của Bệnh viện Triều An là 2 người phụ nữ.

Cụ thể, cổ đông sở hữu lượng cổ phần lớn nhất tại Bệnh viện Triều An vẫn là bà Dương Thị Đẹt với tỷ lệ nắm giữ lên tới 38,27%. Bà Trầm Thuyết Kiều - con gái ông Trầm Bê - sở hữu 21,51% vốn điều lệ. Bà Kiều là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc hành chính quản trị bệnh viện.

Cá nhân ông Trầm Bê sở hữu 4,85% vốn, chưa đạt mức 5% nên vẫn chưa được tính là cổ đông lớn. Kế đến là ông Trần Ngọc Henri sở hữu 4,08%; bà Viên Tú Anh sở hữu 3,44%. Riêng ông Trầm Bê sau khi chấp hành xong 2 bản án hình sự với tổng cộng 7 năm tù (4 năm tù trong vụ án Phạm Công Danh và 3 năm tù trong vụ Dương Thanh Cường), đã chính thức trở lại với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Doanh nghiệp của bầu Đức vẫn chưa thoát vận đen

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa có văn bản về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HAG vẫn thuộc diện chứng khoán bị cảnh báo theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 âm 957 tỷ đồng. 

Hoàng Anh Gia Lai cho biết, kết quả kinh doanh đã có chuyển biến tích cực và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.

Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng, Hoàng Anh Gia Lai đạt doanh thu thuần 4.194 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 851 tỷ đồng. Trong khi doanh thu giảm 17% thì lợi nhuận tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty vẫn gặp áp lực về nợ vay. Tại ngày 30/9, doanh nghiệp còn 4.126 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và 3.097 tỷ đồng nợ vay tài chính dài hạn. Tổng nợ vay đã giảm 645 tỷ đồng so với đầu năm, tuy nhiên áp lực trả nợ ngắn hạn vẫn rất lớn.

Công ty vẫn đang trong quá trình thực hiện các biện pháp tái cơ cấu tài chính nhằm giảm mạnh hơn nữa số dư nợ phải trả ngân hàng, giảm chi phí lãi vay và duy trì dòng tiền ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.

Quảng cáo rầm rộ, Temu vẫn chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết đến thời điểm này, Temu - sàn thương mại điện tử xuyên biên giới rầm rộ quảng cáo hoạt động tại Việt Nam gần đây - chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.

Tuy chỉ mới có mặt trên thị trường khoảng 2 năm nhưng Temu được đánh giá là đối thủ đáng gờm của các sàn thương mại điện tử lớn trên thị trường hiện nay. Vào năm 2022, GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa) của Temu chỉ 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 23/10, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định theo quy định của Nghị định 85/2021, các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.

Về quan điểm có nên cấm sàn thương mại điện tử Temu hoạt động tại Việt Nam hay không, ông Tân cho biết hiện nay, Indonesia đã tìm cách ngăn chặn nền tảng này và một số quốc gia cũng bày tỏ quan ngại. "Tôi cũng đã giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà soát đánh giá tác động", lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.

Về mặt nguyên tắc, Bộ Công Thương vẫn đang triển khai đề án đảm bảo quản lý chặt và chống gian lận hàng giả, hàng nhái. Bộ cũng đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát liên quan đến vấn đề này.