1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Vốn hóa Vinhomes vượt 200.000 tỷ đồng trước thềm thương vụ lịch sử

Mai Chi

(Dân trí) - Diễn biến tăng giá 4,2% của VHM trong sáng nay đã đẩy giá trị vốn hóa thị trường của Vinhomes lên mức 205.308,4 tỷ đồng, đồng thời kéo VN-Index tăng điểm bất chấp phần lớn cổ phiếu giảm.

Diễn biến thị trường chung trong phiên sáng nay (21/10) nhìn chung khá ảm đạm với thanh khoản thấp, chỉ số giằng co, gần như đi ngang trong biên hẹp.

Thanh khoản thị trường chỉ đạt 233,54 triệu cổ phiếu tương ứng 5.404,08 tỷ đồng trên sàn HoSE và 19,59 triệu cổ phiếu tương ứng 312,63 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 10,49 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 127,17 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm với 396 mã giảm giá, 5 mã giảm sàn so với 263 mã tăng, 8 mã tăng trần. Toàn thị trường có 794 mã không hề phát sinh giao dịch.

Riêng sàn HoSE, số lượng mã giảm giá áp đảo với 207 mã trong khi phía tăng chỉ có 124 mã. Tuy vậy, VN-Index vẫn đạt trạng thái tăng 1,97 điểm tương ứng 0,15% lên 1.287,43 điểm. VN30-Index tăng 2,64 điểm tương ứng 0,19%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index điều chỉnh 0,98 điểm tương ứng 0,43% do có đến 78 mã giảm so với 48 mã tăng. UPCoM-Index cũng giảm 0,24 điểm tương ứng 0,26%.

Vốn hóa Vinhomes vượt 200.000 tỷ đồng trước thềm thương vụ lịch sử - 1

Diễn biến cổ phiếu VHM trong vòng một năm qua (Nguồn: Tradingview).

Nguyên nhân khiến VN-Index "xanh vỏ đỏ lòng" là sức kéo từ VHM. Chỉ riêng diễn biến tăng tại cổ phiếu Vinhomes đã giúp VN-Index tăng hơn 2 điểm. Bên cạnh đó, VIC cũng đóng góp 0,6 điểm cho chỉ số chính.

Cổ phiếu Vinhomes sáng nay tăng 4,2% lên 47.150 đồng với khớp lệnh lên tới 13,6 triệu đơn vị. Theo đó, mức thị giá của VHM đã lập đỉnh mới, cao nhất 52 tuần và đưa giá trị vốn hóa thị trường của Vinhomes vượt mốc 200.000 tỷ đồng, đạt 205.308,4 tỷ đồng.

Mới đây Vinhomes đã công bố kế hoạch mua lại 370 triệu cổ phiếu VHM. Thời gian giao dịch dự kiến từ 23/10 đến 21/11. Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua công ty chứng khoán, phù hợp với quy định của pháp luật.

Mục đích của giao dịch được phía doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định là để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông trong bối cảnh thị giá VHM trên thị trường chứng khoán đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực.

Cổ phiếu Vingroup cũng tăng 1,6% và VRE tăng 1,9%. Với sự dẫn dắt của cổ phiếu họ Vin, nhóm ngành bất động sản sáng nay diễn biến khá tích cực. QCG tăng trần lên 10.500 đồng; HDC tăng 2,7%; DXG tăng 2,5%; DXS tăng 2,1%; PDR tăng 1,4%; CRE tăng 1,2%; TDH tăng 1,2%; DIG tăng 1%.

Một bộ phận cổ phiếu cùng ngành bị điều chỉnh giá song mức giảm không đáng kể. KBC chỉ giảm 0,4%; NLG giảm 0,4%; KDH giảm 0,6%; TCH giảm 0,6%.

Tương tự tại nhóm ngành xây dựng và vật liệu có những mã tăng giá tốt như HVX, ACC, NAV, CTD, BMP nhưng thanh khoản tại các mã này rất khiêm tốn. Chiều ngược lại ghi nhận sự điều chỉnh tại VGC, DPG, BCE, FCN.

Phần lớn cổ phiếu dịch vụ tài chính suy giảm: AGP giảm 4,9%; FTS giảm 1,5%; VDS giảm 1,2%; HCM giảm 1,1%; CTS giảm 1,1% . Chỉ một số mã tăng nhẹ là VND, AGR, VCI, ORS.

Ngành ngân hàng cũng diễn ra phân hóa. Trong khi phía tăng có EIB tăng 3,3%; VCB, MBB, VPB, STB nhích nhẹ thì bên điều chỉnh có MSB, TPB, CTG, LPB, TCB, mức giảm không lớn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm