1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tỷ phú Việt làm nông nghiệp: Con đường gập ghềnh của bầu Đức

Kế hoạch đầu tư ngành nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai đã dường như không đạt được hiệu quả như tỷ phú Đoàn Nguyên Đức mong đợi.

Trước khi đến với nông nghiệp, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) được biết đến với "núi tiền khổng lồ" vị trí số một trong lĩnh vực bất động sản. Trong báo cáo thường niên năm 2008, tỷ phú Đoàn Nguyên Đức đã thể hiện nỗi niềm canh cánh trong lòng, là phải vươn xa hơn, phải làm nông nghiệp công nghệ cao quy mô đại công trường. Thế nhưng, để theo đuổi được ngành nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai phải trải qua hành trình có thể nói là đầy trắc trở.

Bỏ bất động sản để tiến vào nông nghiệp với đầy tham vọng... 

Theo báo cáo thường niên năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai đã bắt đầu chuyển hướng sang ngành trồng trọt. Từ năm 2007 đến năm 2012, công ty đã đầu tư hàng tỷ USD để sở hữu 51.000ha trồng cây cao su và cây tràm. Lúc này, bất động sản vẫn là ngành nghề chính của doanh nghiệp.

Năm 2010, Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư nhà máy chế biến gỗ và khai thác mủ cao su với tổng chi phí đầu tư 765 triệu USD đồng thời thành lập Công ty cổ phần Cao su Hoàng Anh Gia Lai, vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Năm 2011, doanh nghiệp tiếp tục trồng thêm mía đường và xây dựng nhà máy đường công suất 7.000 tấn mía mỗi ngày, nhà máy Ethanol và nhà máy nhiệt điện công suất 30MW chạy bằng nguồn nhiên liệu là bã mía.

Năm 2013, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai, gây bất ngờ khi tuyên bố với các nhà đầu tư tiến hành các nghiệp vụ tại cấu trúc lớn, đặt mục tiêu trọng tâm vào ngành nông nghiệp cắt giảm các ngành nghề của mình.

Tỷ phú Việt làm nông nghiệp: Con đường gập ghềnh của bầu Đức - 1

Quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai (Nguồn: BCTC).

Hoàng Anh Gia Lai đã bán toàn bộ dự án thủy điện bao gồm 4 dự án đang hoạt động và 2 dự án đang xây dựng, bán cổ phần công ty gỗ cho cán bộ công nhân viên ngành gỗ và tách các dự án căn hộ tại Việt Nam sang một công ty riêng rồi tiến hành chào bán cổ phần công ty đó cho cổ đông và các nhà đầu tư khác để thu tiền đầu tư tập trung các dự án nông nghiệp.

Doanh nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức làm Chủ tịch HĐQT chỉ giữ lại ngành nông nghiệp gồm các mảng cây cao su, cọ dầu, mía đường, trong năm 2014 có thêm cây bắp và một dự án bất động sản là khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center.

Năm 2013 là mốc dấu thay đổi hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai. Nếu như trong năm 2012, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh thu 4,3% thì đến năm 2013, sau một loạt các hoạt động tái cơ cấu, doanh thu đóng góp chủ đạo chính của công ty lên đến 38,94% và tiếp tục gia tăng tỷ trọng.

Không chỉ tham gia vào mảng trồng trọt, năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai đã tận dụng thế mạnh quỹ đất của mình tiếp tục đầu tư vào ngành chăn nuôi bò thịt và bò sữa tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong định hướng chiến lược, công ty sẽ đầu tư các dự án chăn nuôi bò với tổng vốn khoảng 6.300 tỷ đồng, dự kiến tổng số lượng đàn bò thịt và bò sữa tổng đàn bò của tập đoàn đã lên đến hơn 43.500 con. Ngày 20/7/2015, bầu Đức đã niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HNG) để thể hiện sự quyết tâm của mình đối với lĩnh vực nông nghiệp.

... những quả đắng cao su, dầu cọ

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư ngành nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai đã dường như không đạt được hiệu quả như tỷ phú Đoàn Nguyên Đức mong đợi.

Tỷ phú Việt làm nông nghiệp: Con đường gập ghềnh của bầu Đức - 2

Hoạt động kinh doanh của HAGL từ năm 2012-2017 (Nguồn: BCTC).

Bắt đầu chuyển đổi từ năm 2013, ban đầu, có vẻ như Hoàng Anh Gia Lai đã đúng khi tập trung vào ngành nông nghiệp ngành nghề có biên lợi nhuận gộp cao hơn so với thủy điện xây dựng và bất động sản. Biên lợi nhuận ròng của công ty được cải thiện rõ rệt từ 9,64% năm 2012 lên 36% năm 2013 thậm chí 57,3% vào năm 2014. Tuy nhiên, đến năm 2015, mặc dù doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ hơn 100%, thế nhưng lợi nhuận trước thuế của Hoàng Anh Gia Lai lại sụt giảm 54%.

Nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai sụt giảm là sự tham gia mới của ngành chăn nuôi bò sữa và thịt có biên lợi nhuận gộp thấp hơn so với trung bình ngành chỉ có 28% so với các ngành nghề khác, theo báo cáo thường niên năm 2015.

Tỷ phú Việt làm nông nghiệp: Con đường gập ghềnh của bầu Đức - 3

Nguyên nhân khiến HAGL thua lỗ (Nguồn: Trading Economics và BCTC).

Đồng thời, mảng cao su và dầu cọ chiếm nhiều chi phí vốn đầu tư của Hoàng Anh Gia Lai thì kể từ năm 2011, sau khi đạt đỉnh 540 cent/kg, giá cao su liên tục giảm cả trong nước lẫn ngoài nước. Đến năm 2015, doanh thu của mảng cao su còn không bù lại được với giá vốn hàng bán. Thậm chí, mảng dầu cọ còn không có ghi nhận doanh thu trong báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai.

Ông Đoàn Nguyên Đức lại chuyển đổi, tham gia thêm các ngành khác. Hoàng Anh Gia Lai cắt giảm diện tích cao su từ 44.300ha xuống còn 42.300ha. Lúc này, bầu Đức phải huy động vốn vay để đầu tư ngành chăn nuôi. Điều đó khiến cơ cấu nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai tăng mạnh, chiếm hơn 50% tổng tài sản tạo ra áp lực tài chính khổng lồ.

Năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai chính thức báo lỗ 1.980 tỷ đồng, một phần do dự phòng giảm giá lại tài sản doanh nghiệp lỗ 1028 tỷ đồng, một phần do giá vốn và chi phí tài chính tăng vọt, để thanh toán khoản nợ thậm chí bầu Đức đã chuyển nhượng dự án bất động sản cho Quốc Cường Gia Lai với số tiền 419 tỷ đồng.

Năm 2016 là khoảng thời gian khó khăn với Hoàng Anh Gia Lai khi giá vốn hàng hóa tăng cao cùng với gánh nặng khoản nợ khổng lồ, khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đầu tư cao su không biết lúc nào thu hồi được khi mảng đầu tư lớn nhất ngành cao su đang bị ảnh hưởng bởi giá cao su thế giới liên tục giảm sâu.

Trồng cây ăn quả

Trước những khó khăn trong kinh doanh cao su và thấy việc giảm biên lợi nhuận từ ngành chăn bò, Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển đổi chiến lược kinh doanh đặt trọng tâm là sản xuất trái cây với niềm tin thời gian thu hoạch nhanh đáp ứng được chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp đã cắt giảm chuỗi chăn nuôi để dùng vốn theo đuổi ngành trồng trọt.

Tỷ phú Việt làm nông nghiệp: Con đường gập ghềnh của bầu Đức - 4

 (Nguồn: BCTC).

Từ việc chiếm 51,7% tổng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai, hiện tại, chăn nuôi bò chỉ còn chiếm 2%.

Năm 2018, Hoàng Anh Gia Lai thực hiện tái cơ cấu khi thông báo chính thức rút chân khỏi mảng đầu tư nhiều nhất là cao su để chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu các công ty cao su cho cổ đông vốn góp. Công ty cũng rút vốn ra khỏi công ty xây dựng, mảng thủy điện, thậm chí cả chăn nuôi bò để có thể tập trung mọi nguồn lực phát triển cây ăn trái. Nhưng có lẽ đây chính là quyết định sai lầm nhất của tỷ phú Đoàn Nguyên Đức khi công ty phải đối mặt với chuỗi ngày thua lỗ.

Trái ngược với mong đợi của Hoàng Anh Gia Lai sau khi được đầu tư ngành trồng trọt trái cây sẽ phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp liên tục báo thua lỗ, theo báo cáo thường niên năm 2019 và năm 2020. Nguyên nhân chính là ngành trồng trọt bị tác động nhiều bởi yếu tố môi trường. Năm 2019, trận lụt ở Lào đã khiến cho doanh thu của ngành trái cây sụt giảm nghiêm trọng hơn từ 2.897 tỷ xuống 1.275 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2019, chi phí tài chính đã gần bằng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai khi gánh nặng tài chính doanh nghiệp quá nhiều.

Tỷ phú Việt làm nông nghiệp: Con đường gập ghềnh của bầu Đức - 5

Khả năng kinh doanh của HAGL (Nguồn: BCTC).

Năm 2020, doanh nghiệp tiếp tục lỗ 2.351 tỷ đồng trước áp lực của dịch bệnh Covid-19. Đại dịch khiến cho giá trái cây giảm sâu bên cạnh các vườn cây tại Campuchia liên tục xuống cấp. Năm 2020 mặc dù đã được cải thiện chi phí tài chính nhưng chi phí cải tạo lại vườn cây sau khi lũ lụt lên 1.835 tỷ đồng. Hoàng Anh Gia Lai đứng trước nguy cơ phá sản nếu không được tái cơ cấu.

"Heo ăn chuối" có là bước ngoặt cho bầu Đức?

Năm 2021, sau khi "bắt tay" với Thaco, Hoàng Anh Gia Lai báo lãi trở lại. Còn 6 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu 2.030 tỷ đồng, nhờ "heo ăn chuối". Lợi nhuận cũng đạt 529 tỷ đồng, chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh.

Trong thời điểm các doanh nghiệp chăn nuôi đang gặp khó khăn vì giá thức ăn đầu vào tăng mạnh cùng với việc giá bán đầu ra của thịt lợn hơi có xu hướng giảm giá so với 6 tháng kỳ trước thì công ty của bầu Đức dường như có đột phá trong mảng nông nghiệp của mình khi tăng trưởng doanh thu 150,59% với biên lợi nhuận ròng 26,09%, cao vượt trội so với các "ông lớn" trong ngành chăn nuôi.

Ông Đoàn Nguyên Đức, khi giải thích cho sự tăng trưởng đột biến này, đã cho biết, chuối được trồng xuất khẩu mỗi năm có thể lên đến 200.000 tấn, còn với nuôi heo thì thức ăn chiếm khoảng 75% giá thành. Nếu kết hợp heo ăn chuối sẽ giải quyết được cả 2 việc cho mảng trồng chuối và mảng chăn nuôi của tập đoàn. Ông cho biết đã tìm ra được phương pháp thành công khi đưa bột chuối vào 40% thức ăn, giúp tiết kiệm tối đa chi phí chăn nuôi khiến cho giá thành heo hơi chỉ có 43.000 đồng/kg thấp hơn so với giá thịt heo hơi các hãng khác.

Một chi tiết đáng chú ý trong quá trình trồng chuối rồi nuôi heo của bầu Đức là tỷ lệ chuối thải loại rất cao. Từ 50% chuối thải loại trong chia sẻ của bầu Đức hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022 thì trong tháng 8/2022, khối lượng chuối được dùng để sản xuất thức ăn gia súc (16.003 tấn) lớn hơn cả khối lượng chuối xuất khẩu (12.484 tấn).

Tỷ phú Việt làm nông nghiệp: Con đường gập ghềnh của bầu Đức - 6

So sánh với các doanh nghiệp nông nghiệp khác (Nguồn: BCTC).

Công ty bầu Đức đặt mục tiêu sẽ mở 200 cửa hàng vào năm nay và sẽ lên tới con số 1.000. Thậm chí, Hoàng Anh Gia Lai đang đặt mục tiêu gà chạy bộ ăn chuối sẽ ra mắt vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Sản phẩm này đang được nuôi thử nghiệm với 100.000 con gà trong nông trại 2ha tại Gia Lai.

Mô hình "heo ăn chuối" của bầu Đức trong những ngày vừa qua cũng gây ra những tranh luận. Một chuyên gia tài chính thẳng thắn nói: "Những gì vô lý thì không thể dài hạn". Một số thì đặt nghi ngờ về mục tiêu mở cả nghìn cửa hàng. Số khác thì phân tích về câu chuyện "chẳng ai đi siêu thị mua đồ xong lại vòng ra cửa hàng bán thịt lợn để mua thịt"… Bên cạnh đó, cũng không ít người đánh giá tích cực về mô hình này. 

"Heo ăn chuối" của tỷ phú Đoàn Nguyên Đức thành công hay không vẫn chưa có lời giải đáp khi mà Hoàng Anh Gia Lai phải cạnh tranh những "ông lớn" tỷ đô như Masan, Hòa Phát về công nghệ chăn nuôi. Liệu Bầu Đức có rút được kinh nghiệm từ những thất bại trước của mình để trở về thời hoàng kim hay thất bại vẫn cần thời gian để trả lời.

Theo Minh Nguyệt

Fica.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm