Bầu Đức: Tôi đã nếm mùi thất bại nên không để Hoàng Anh Gia Lai ngã lần hai
(Dân trí) - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức nhấn mạnh với cổ đông công ty đang đi lên sau những thất bại trong quá khứ, bằng chứng là có đối tác sẵn sàng đầu tư 1.700 tỷ đồng.
Mục tiêu 1 triệu con heo
Chia sẻ với cổ đông Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) sáng 8/4 tại phiên họp đại hội thường niên, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho biết ông quyết định "xuống núi", tổ chức họp tại TPHCM để sẵn sàng giải đáp toàn bộ thắc mắc của nhà đầu tư. "Cổ đông có thể hỏi đến khi nào chán thì thôi", ông Đức thẳng thắn.
Doanh nhân gốc Bình Định tỏ rõ sự tự tin so với các kỳ đại hội trước khi đã tìm được hướng đi mới "một cây, một con", cụ thể là trồng chuối và nuôi heo. Một mình bầu Đức trả lời hàng chục câu hỏi của nhà đầu tư. Cuộc họp thường niên của Hoàng Anh Gia Lai theo đó kết thúc khi đã gần 13h.
Ông Đức nhắc lại tiềm năng của sản phẩm heo ăn chuối mà tập đoàn triển khai như trong nhiều lần chia sẻ gần đây. Lượng chuối tươi phải bỏ đi trong quá trình thu hoạch được công ty chuyển thành thức ăn cho heo. Hoàng Anh Gia Lai do đó sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí đầu vào do thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành thịt heo.
Do đó, giá thức ăn chăn nuôi gần đây tăng 30% nhưng công ty không bị ảnh hưởng mà còn có lợi thế vì chủ động nguồn. Bầu Đức phân tích giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều nông dân sẽ bỏ nuôi làm giá thịt heo tăng, công ty do đó càng có lợi.
Theo ông, trên thị trường hầu như không có công ty nào có sẵn hàng nghìn ha trồng chuối đại trà để tận dụng nuôi heo như Hoàng Anh Gia Lai. Doanh nghiệp duy nhất có quỹ đất lớn và cũng đã trồng chuối là Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương. Chính Thaco đã mua lại cổ phần và tiếp quản công ty con HAGL Agrico (mã chứng khoán HNG) từ tay Hoàng Anh Gia Lai.
"Thị trường Việt Nam một năm tiêu thụ 35 triệu con heo, giá trị khổng lồ mười mấy tỷ USD. Chúng tôi một năm bán một triệu con heo thì cũng chưa thấm vào đâu", bầu Đức chia sẻ.
Ông cho biết công ty hiện mới bán heo hơi và từ tháng 7 tới sẽ liên kết một đối tác là nhà phân phối lớn trên thị trường để bán thịt heo có thương hiệu tới tận tay người tiêu dùng thông qua chuỗi cửa hàng. Liên doanh này do Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ 55% cổ phần, đối tác sở hữu 45% cổ phần. Thịt heo và các sản phẩm chế biến như xúc xích, chả giò do công ty bầu Đức cung cấp, đối tác chịu trách nhiệm phân phối, phát triển hệ thống cửa hàng. Mục tiêu của công ty là có 5.000 điểm bán phân phối thịt heo.
Cần đối tác có tiền
Để thực hiện các mục tiêu tăng quy mô đàn heo lên 1 triệu con, xây dựng thêm chuồng trại, xây nhà máy giết mổ công suất 3.000 con/ngày, công ty cần thêm nguồn tài chính nên sắp tới sẽ huy động 1.700 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược, dự kiến gồm một công ty chứng khoán và một quỹ đầu tư.
"Vấn đề của Hoàng Anh Gia Lai bây giờ là cần tiền chứ chưa cần hệ sinh thái. Chúng ta đã khó khăn 5 năm nên tìm đối tác không hề đơn giản. Những năm 2008-2010, không thiếu quỹ nước ngoài nào đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai như Temasek, Deutsche Bank. Còn giai đoạn này tìm ra đối tác như ý thì rất khó. Nhiệm vụ trước mắt là tìm cho ra tiền, không có tiền thì chắc chắn kế hoạch năm sau không thực hiện được", ông Đức giải thích với cổ đông vì sao không chọn đối tác tài chính thay vì doanh nghiệp là đơn vị có kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi.
Bầu Đức cho rằng Hoàng Anh Gia Lai đã có sẵn đất đai, con người, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ nên bây giờ cần nhất là tài chính. Công ty cũng đã làm việc với nhiều đối tác. Những đơn vị quen thân, hiểu biết Hoàng Anh Gia Lai mới dám đầu tư. "Ở đây, một số người tin mình nhưng đa số không tin. Mình là người thất bại, nói thẳng là như thế. Công ty nào cũng có đi lên rồi đi xuống. Hoàng Anh Gia Lai đã đi xuống và đang tìm đường đi lên", ông bộc bạch.
Ông chủ doanh nghiệp phố núi nhắc lại Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn năm 2016. Khi mất thanh khoản, công ty không thể quan hệ tín dụng trong gần 5 năm, nói nôm na là bị ngân hàng "cấm vận". Đến lúc này, công ty có thể phát hành cổ phiếu thu 1.700 tỷ đồng theo ông là trên cả tuyệt vời, cảm giác như thời kỳ những năm 2008 trở lại.
"Tôi là người đã nếm mùi thất bại, mất thanh khoản, đến ngân hàng là họ từ chối khéo. Tất cả những cái xót xa, khó khăn nhất tôi đã trải qua. Việc phát hành cổ phiếu mà có đối tác đồng ý thì các bạn nên mừng cho tôi vì tôi đã làm được gì đó", ông nói với cổ đông.
Đã từng ngã nên sẽ không để có lần hai
Dù bầu Đức trình bày nhiều con số khả quan, nhưng nhiều cổ đông vẫn băn khoăn liệu định hướng "một cây, một con" lần này có thật sự sẽ giúp công ty trở lại thời hoàng kim. Nhiều nhà đầu tư lâu năm dẫn chứng ông Đức cũng đã từng rất tự tin khi bỏ bất động sản chuyển sang làm nông nghiệp nhưng kết quả sau đó là doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn nhiều năm.
"Bạn hỏi Hoàng Anh Gia Lai có ngã ngựa nữa hay không thì tất cả công ty đều có thể đều ngã ngựa. Đó là quy luật kinh doanh, không ông nào vỗ ngực nói tôi là mãi mãi được. Hoàng Anh Gia Lai đã ngã rồi và biết tại sao ngã. Gần 5 năm chúng tôi bị "cấm vận", cực kỳ khó khăn. Chính vì 2016 tôi ngã luôn nên bạn yên tâm ngã lần thứ hai với Hoàng Anh Gia Lai là hơi khó", bầu Đức cam đoan với cổ đông.
Ông nhắc lại chuyện năm 2012, giá cao su 5.200 USD/tấn nên quyết định bán hết bất động sản để làm cao su. Temasek là tập đoàn rất lớn trên thế giới của Nhà nước Singapore, họ đầu tư vào Hoàng Anh Gia Lai cũng phân tích giá cao su không thể xuống thấp, thấp nhất là 2.500 USD/tấn. Cuối cùng thì giá còn 1.100 USD tấn thì không ai có thể chịu nổi.
"Không có gì là bền vững mãi mãi đâu. Cổ phiếu cũng lúc lên lúc xuống chứ sao lên hoài hay xuống hoài được. Hoàng Anh Gia Lai đã xuống sâu lắm rồi, có lúc cổ phiếu còn có 4.000 đồng, nên phải lên lại. Tôi sẽ không bao giờ để Hoàng Anh Gia Lai ngã ngựa lần hai nữa", ông nói chắc nịch.
Năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu gần 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.100 tỷ đồng. Riêng trong quý I, bầu Đức cho biết lợi nhuận đã đạt khoảng gần 250 tỷ đồng và các quý tới sẽ còn tăng sau khi tập đoàn sáp nhập thêm một công ty con quan trọng.