Tỷ phú Thái “lấy lại” gần 12.500 tỷ đồng trong vài tuần tại cổ phiếu Sabeco
(Dân trí) - Nhờ giá cổ phiếu SAB hồi phục mạnh sau khi chạm đáy vào cuối tháng 3, tài sản “ông chủ” Thái của Sabeco đã hồi phục hơn 31% tương ứng gần 12.500 tỷ đồng.
SAB hồi phục hơn 31% từ đáy
Phiên giao dịch sáng nay (15/4), cổ phiếu SAB của Sabeco tiếp tục tăng giá mạnh 8.400 đồng lên 151.800 đồng và đây là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với mức độ tác động là 1,54 điểm.
Đáng chú ý, cổ phiếu Sabeco đã có chuỗi giao dịch rất ấn tượng kể từ đầu tháng 4 tới nay. Nếu tính cả sáng nay thì SAB đã tăng 10 phiên liên tục trong tổng cộng 11 phiên giao dịch kể từ phiên 31/3. Tổng mức tăng của cổ phiếu SAB lên tới 22.200 đồng (tương ứng 17,13%) trên mỗi cổ phiếu.
So với mức đáy 115.500 đồng mà SAB thiết lập ngày 24/3/2020 thì đến nay SAB đã phục hồi 31,43% tương ứng mức tăng giá 36.300 đồng/cổ phiếu. Theo đó, tài sản của tỷ phú người Thái, ông chủ đứng sau 53,59% cổ phần Sabeco, cũng hồi phục 12.474 tỷ đồng.
Sabeco cũng vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã được kiểm toán. Theo đó, năm 2019, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 37.899 tỷ đồng, tăng 5% so với kết quả đạt được vào năm 2018.
Nhờ kiểm soát được giá vốn nên lợi nhuận gộp tăng mạnh 18% lên 9.551 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng 41% lên 890 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 25% lên 6.675 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế cả năm của Sabeco đạt 6.686 tỷ đồng, tăng 24%và lãi sau thuế tăng 22% lên 5.370 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình, lãnh đạo Sabeco cho biết, doanh thu thuần năm 2019 của doanh nghiệp này tăng so với cùng kỳ là do tăng sản lượng và tăng giá bán. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế bật mạnh nhờ vào doanh thu tăng cũng như lãi tiền gửi tăng mặc dù có sự đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động marketing và hỗ trợ bán hàng.
Cho đến thời điểm này, Sabeco vẫn chưa có báo cáo tài chính quý 1/2020.
Cổ phiếu hàng không đồng loạt giảm
Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch sáng nay. VN-Index tăng 8,33 điểm tương ứng 1,09% lên 775,74 điểm còn HNX-Index tăng 1,52 điểm tương ứng 1,42% lên 108,67 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,77 điểm tương ứng 1,51% lên 51,55 điểm.
Thanh khoản đạt 177,64 triệu cổ phiếu tương ứng 2.590,94 tỷ đồng trên HSX và đạt 31,26 triệu cổ phiếu tương ứng 372,03 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 11,15 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch đạt 129,5 tỷ đồng.
Thị trường được bao phủ với sắc xanh. Số lượng mã tăng giá trên cả ba sàn lên tới 416 mã, có 59 mã tăng trần so với 195 mã giảm và 23 mã giảm sàn.
Đáng chú ý, rổ VN30 có tới 23 mã tăng giá và chỉ có 3 mã giảm, 4 mã đứng tham chiếu, do đó, chỉ số VN30-Index đạt mức tăng mạnh 9,48 điểm tương ứng 1,33% lên 723,29 điểm. Mức tăng của VN30-Index trội hơn mức tăng tại VN-Index cho thấy sức ảnh hưởng đáng kể của nhóm cổ phiếu bluechip lên diễn biến chung.
Trong phiên này, thị trường chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ của một số mã như BID tăng 1.000 đồng lên 37.500 đồng; BVH tăng 2.450 đồng lên 48.650 đồng; VCS tăng 4.500 đồng lên 63.000 đồng, CTD tăng 2.800 đồng lên 55.800 đồng; MWG tăng 2.500 đồng lên 77.300 đồng và PNJ cũng tăng 1.500 đồng lên 59.000 đồng. Một số cổ phiếu khác như VCB, VNM, VHM, VPB, CTG cũng tăng giá.
Chiều ngược lại, VJC tiếp tục giảm thêm 3.800 đồng còn 109.000 đồng. SAB, ACV, HVN đều giảm giá.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 780 ± 5 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Tại đây, thị trường có thể gặp áp lực rung lắc mạnh và có thể điều chỉnh giảm.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ bắt đầu được công bố trong tháng 4.
Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý 1 và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.
Mai Chi