Tỷ giá VND/USD… chuyển động
Từ ngày 27/3 đến 7/4, tỷ giá của các ngân hàng thương mại đứng yên ở mức 16.120 VND (bán ra). Một hiện tượng hiếm thấy từ đầu năm đến nay, nhất là sau đợt biến động mạnh cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa qua.
Nguyên nhân được giải thích từ việc “neo” tỷ giá bình quân liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước trong khoảng thời gian trên, ở mức cố định 15.960 VND. So với mốc này, tỷ giá của các ngân hàng thương mại đã ở trần biên độ cho phép.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân là do tác động của chính sách điều hành và tỷ giá đã có sự chuyển biến tích cực.
Cụ thể, diễn biến trên là kết quả của loạt giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước triển khai, như điều chỉnh giảm mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng (hiện giảm 0,94% so với đầu năm, giảm 0,19% so với ngày 20/3/2008); thông báo cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối về việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ vào để hỗ trợ, trong đó chủ yếu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; triển khai chủ trương cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện mua bán ngoại tệ mặt theo tỷ giá do tổng giám đốc tổ chức tín dụng tự quyết định…
Sau những giải pháp trên, tỷ giá trên thị trường đã tăng mạnh trở lại, luôn sát mức trần biên độ cho phép. Những diễn biến này cho thấy tình trạng dư cung ngoại tệ không còn, cầu ngoại tệ trên thị trường có dấu hiện tăng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cầu ngoại tệ gần đây tăng lên do do các ngân hàng thương mại đang tích cực mua ngoại tệ trên thị trường để tăng mức trạng thái ngoại tệ nắm giữ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ tăng.
Trên thực tế, cầu ngoại tệ của một số ngân hàng đã đến mức cần hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước đã bán ra thay vì chịu áp lực mua vào chỉ một tháng trước đó. Một số dự báo cho rằng nếu không áp biên độ giao dịch, tỷ giá của các ngân hàng còn có thể tiếp tục tăng mạnh.
Tuy nhiên, sau thời gian “neo” ở mức 16.120 VND, ngày 8/4, Ngân hàng Nhà nước đã phát tín hiệu mới; tỷ giá đã chuyển động và giảm nhẹ. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giảm xuống mức 15.958 VND; của các ngân hàng thương mại giảm xuống 16.118 VND - bám sát trần cho phép.
Diễn biến mới này bước đầu cho thấy khả năng cầu ngoại tệ của các ngân hàng thương mại cơ bản đã bớt căng thẳng. Đáng chú ý là chuyển động này có ngay sau kế hoạch đồng loạt giảm lãi suất huy động USD xuống trần 6%/năm vào ngày 2/4 vừa qua.
Theo Hoàng Đạt
VnEconomy