Từ vụ vay 8,5 triệu nợ 8,8 tỷ đồng: Làm gì để tránh "bẫy nợ" thẻ tín dụng?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Thẻ tín dụng khá tiện dụng, có nhiều ưu đãi đi kèm nhưng cũng có thể kéo bạn vào "hố đen" nợ nần. Vậy khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn nên lưu ý những gì để tránh "bẫy nợ"?

Vì sao người dùng dễ ngập nợ vay thẻ tín dụng?

Có rất nhiều lý do khiến nhiều người dùng dễ rơi vào tình cảnh ngập nợ:

- Tiêu xài quá tay: Nhiều chủ thẻ thường chi tiêu quá nhiều dẫn đến không có đủ khả năng trả nợ khi đến kì thanh toán. Thông thường, các thẻ tín dụng sẽ có hạn mức cao gấp 2 đến 3 lần lương tháng. Chính vì vậy, người dùng rất dễ "cà thẻ" quá tay và chi tiêu không kiểm soát.

- Không chú ý thời hạn thanh toán: Nhiều chủ thẻ cũng không chú ý thời hạn thanh toán các khoản vay tín dụng và không lường trước các khoản phạt, lãi suất trên khoản nợ. Không ít người dùng khi mở thẻ thường chủ quan và không chú ý đến các khoản phí này.

- Các khoản trả góp cộng dồn: Trả góp là cách vô cùng tiện lợi để mua được món đồ nào khi bạn chưa tích góp đủ tiền. Trả góp qua thẻ tín dụng còn có thể nhận nhiều ưu đãi như hoàn tiền hay lãi suất 0%. Tuy nhiên, chủ thẻ cũng dễ rơi vào tình trạng trả góp quá nhiều thứ cùng lúc qua thẻ tín dụng.

Từ vụ vay 8,5 triệu nợ 8,8 tỷ đồng: Làm gì để tránh bẫy nợ thẻ tín dụng? - 1

Nhiều chủ thẻ thường chi tiêu quá nhiều dẫn đến không có đủ khả năng trả nợ khi đến kì thanh toán (Ảnh: Time).

Làm gì để tránh "cạm bẫy" nợ thẻ tín dụng?

- Cân nhắc kỹ nhu cầu làm thẻ tín dụng: Trước khi tiến hành mở thẻ, bạn cần trả lời kỹ cho câu hỏi "có nên làm thẻ tín dụng hay không". Nếu thực sự cần chi tiêu nhiều và có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng thì mới nên sử dụng loại thẻ này.

- Không nên đứng tên mở thẻ tín dụng hộ: Rất có thể người đứng tên mở thẻ sẽ phải gánh khoản nợ ngân hàng một khi người sử dụng thẻ cố tình không trả nợ.

- Kiểm tra thường xuyên lịch sử giao dịch và khả năng chi trả: Bạn nên có thói quen thường xuyên kiểm tra các khoản chi và lãi suất tín dụng của mình. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo khả năng thanh toán và không bị "lỡ tay" tiêu quá nhiều.

- Chú ý các gói dịch vụ miễn phí: Rất nhiều người dùng sử dụng thẻ tín dụng để đăng ký các dịch vụ như Spotify, Netflix, Youtube Premium… Khi đăng ký, người dùng sẽ buộc phải thêm thẻ thanh toán và sau đó có thể nhận được khoảng 1-3 tháng miễn phí dịch vụ. Tuy nhiên, ngay khi hết thời gian được dùng miễn phí, người dùng sẽ bị trừ tiền dịch vụ trong thẻ.

- Không nên sử dụng quá nhiều thẻ: Nếu sử dụng quá nhiều thẻ, chủ thẻ sẽ khó khăn hơn trong việc quản lý. Nếu để lỡ các thông báo hay không thanh toán đúng hạn, chi phí định kỳ có thể tăng lên khiến người dùng vô tình tăng số nợ thẻ tín dụng.

- Không dùng thẻ tín dụng này để trả nợ thẻ tín dụng khác: Nhiều chủ thẻ có xu hướng sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng này để thanh toán nợ thẻ tín dụng của ngân hàng khác. Tuy nhiên, cách làm này lại mang tới nhiều rủi ro tài chính, phát sinh nhiều chi phí và khiến bạn lún sâu vào nợ nần.

Chú ý thời gian miễn lãi 45 ngày, các khoản phạt 

Tại Việt Nam, các ngân hàng thường ưu đãi cho chủ thẻ miễn lãi khoảng 45 ngày. Trong khoảng thời gian này, người dùng có thể chi tiêu từ thẻ tín dụng mà không phải tốn thêm khoản chi phí khác.

Thời gian miễn lãi thẻ tín dụng của ngân hàng được tính từ ngày chốt sao kê của tháng trước đến ngày chốt sao kê của tháng sau là 30 ngày, và cộng thêm thời gian ân hạn là 15 ngày.

Thời gian ân hạn là số ngày mà ngân hàng gia hạn thêm để chủ thẻ có thời gian sắp xếp tài chính và có thể tiến hành thanh toán.

45 ngày chính là thời gian tiêu chuẩn được miễn lãi khi bạn sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán. Tuy nhiên, số ngày thực tế bạn được miễn lãi sẽ phụ thuộc vào thời điểm bạn thực hiện giao dịch.

Số ngày miễn lãi sẽ được tính từ ngày bạn thực hiện giao dịch đầu tiên cho đến ngày được ân hạn cuối cùng. Do vậy, nếu bạn chi tiêu càng gần ngày hết hạn miễn lãi thì áp lực trả nợ của bạn sẽ càng cao.

Bên cạnh đó, mỗi ngân hàng sẽ có những quy định về việc trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng khác nhau. Khách hàng có nợ tín dụng quá hạn sẽ phải chịu phí phạt thanh toán chậm khoảng 5% và lãi suất khoảng 20-45% tùy từng ngân hàng.