Đi chữa bệnh nước ngoài để trốn chạy: "Có sai sót trong quản lý cán bộ"
(Dân trí) - Cho rằng đối với những vụ lớn, nhạy cảm và có khả năng dẫn đến việc trốn chạy thì lẽ ra các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan chủ quản của người bỏ trốn phải phối hợp với các cơ quan khác để quản lý cán bộ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đánh giá, có sự sai sót trong quản lý cán bộ trong vấn đề này khi vụ Trịnh Xuân Thanh chưa giải quyết xong thì đã đến vụ ông Vũ Đình Duy "mất tích".
Hôm qua, trao đổi với Dân Trí, ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương xác nhận, ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất (Vinachem), nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí đã vắng mặt tại cơ quan nhiều ngày qua mà không có sự cho phép của lãnh đạo Tập đoàn.
Trước đó, có nguồn tin cho biết, ông Duy có giấy xin phép nghỉ phép, trong đó có nói “có thể phải đi chữa bệnh nước ngoài”. Bộ Công Thương đã giao cho một lãnh đạo liên lạc với Vinachem để làm rõ thông tin thế theo lãnh đạo của bộ này thì Bộ mới chỉ nhận được báo cáo của Vinachem vào ngày 2/11 và mới biết sự việc này, "hiện chưa biết ông Duy đang ở nước nào".
Đặt vấn đề với đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng, Vụ trưởng - Trưởng ban kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương bên hành lang Quốc hội sáng nay (4/11) về việc không ít trường hợp khi có kết luận thanh tra, hoặc chuẩn bị có động thái kỷ luật, điều tra thì lại lại đi chữa bệnh ở nước ngoài, ông Nhưỡng cho rằng, đúng là có nhiều trường hợp đi nước ngoài chữa bệnh có thể là có bệnh thật.
Tuy nhiên, vị đại biểu cũng bình luận, "không loại trừ những trường hợp đi nước ngoài để trốn tránh" như trường hợp ông Vũ Đình Duy vừa nêu. Và trước đó cũng đã có trường hợp xuất ngoại của Trịnh Xuân Thanh nhưng sau đó không trở lại.
"Có điều là, đối với những vụ lớn, nhạy cảm và có khả năng dẫn đến việc trốn chạy thì lẽ ra các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan chủ quản của người bỏ trốn phải phối hợp với các cơ quan khác để quản lý cán bộ. Ví dụ phải phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, các cửa khẩu. thậm chí có những trường hợp phải cho an ninh theo dõi", ông Nhưỡng không khỏi băn khoăn nói với phóng viên.
Ông Nhưỡng phân tích, việc theo dõi ngoài mục đích để đề phòng những cá nhân này trốn chạy còn có một tác dụng nữa là để bảo vệ chính họ khỏi những nguy cơ bị "thủ tiêu, ám sát để bịt đầu mối về những sai sót". Chính vì vậy, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, "có sự sai sót trong quản lý cán bộ trong vấn đề này.
Trên thực tế, khi không có những biện pháp phối hợp để quản lý cán bộ, đặc biệt là trong những trư"ờng hợp nhạy cảm thì khi cá nhân đề nghị xuất cảnh tại sân bay, cơ quan an ninh cũng không có quyền ngăn cản nếu không có lệnh (điều này sẽ bị quy kết là xâm phạm đến quyền con người) - ông Nhưỡng phân tích.
Theo ông Nhưỡng, nhẽ ra khi có kết luận thanh tra thì đã phải tính đến việc hạn chế đi lại đối với những người có liên quan. "Tôi cho rằng cần phải tăng cường công tác quản lý cán bộ, nhất là trong những trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh,Vũ Đình Duy", ông Nhưỡng nêu quan điểm.
PVTex là doanh nghiệp sở hữu nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) - có tổng mức đầu tư 325 triệu USD (khoảng 7.200 tỷ đồng), công suất thiết kế hàng năm là 145.000 tấn xơ PSF và 30.000 ấn sợi DTY. Trong số này, DPM góp 25,99% vốn, còn lại do PVN góp 74% vốn đầu tư.
Mới đây (cuối tháng 10), kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ do PVTex làm chủ đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công Thương, PVN và Vinatex vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý Nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho biết, quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo tổng kết năm 2015 của PVN, kết thúc năm vừa rồi, PVTex thua lỗ 1.255 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 504 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp từng phải thừa nhận, tình hình tài chính của công ty đang cạn kiệt, mất cân đối và không đủ nguồn vốn lưu động để vận hành Nhà máy, không có khả năng thanh toán chi tiêu tối thiểu và nợ đến hạn. Nguy cơ phá sản của PVTex đang cận kề.
Báo cáo của PVTex mới đây lên PVN tiếp tục cho biết, đến 30/6/2016, con số lỗ lũy kế của PVTex đã bị đẩy lên hơn 3.008 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đã bị âm 823,1 tỷ đồng.
Ông Vũ Đình Duy từng nhiều năm điều hành PVTex trên cương vị Tổng giám đốc của công ty này từ ngày 15/7/2009 đến năm 2014. Sau khi điều hành doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gây thua lỗ, ông Vũ Đình Duy được điều động về làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng rồi làm Cục phó An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp trước khi được bổ nhiệm làm Ủy viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho đến nay.
Bích Diệp