Từ vụ đánh tráo máy Nhật, ruột Trung Quốc đến nghi vấn xe Apec bán thanh lý

(Dân trí) - Trong tuần qua, các thông tin về vấn đề tăng giá điện, Sabeco thoái 53% vốn với giá kỷ lục, vụ đánh tráo máy Nhật, dùng ruột là hàng Trung Quốc bán cho các hộ nghèo ở Bình Thuận cho đến nghi vấn bán xe Audi phục vụ APEC...là những thông tin bạn đọc rất quan tâm.

Tăng giá điện sau 2 năm 9 tháng "bất động"

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1/12, trả lời vì sao Bộ Công Thương chọn tăng giá điện vào thời điểm cuối năm, trong khi báo cáo của ngành điện đưa ra thì sản xuất điện có thể lỗ 600 tỷ đồng nhưng lãi của hoạt động sản xuất điện vẫn hơn 2.600 tỷ đồng, đâu là cơ sở để tăng giá điện?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Việc tăng giá điện, các nguy cơ ảnh hưởng tăng giá điện đang được Chính phủ rất quan tâm. Các chi phí lên quan đến sản xuất điện đã tăng mạnh, trong khi đó hơn 2 năm 9 tháng qua Việt Nam chưa thực hiện điều chỉnh giá điện bán lẻ lần nào.

Về căn cứ để kiểm tra, đánh giá tác động tăng chi phí sản xuất điện ảnh hưởng tăng giá điện năm 2016, theo Thứ trưởng Hải các cơ quan chức năng thực hiện rất minh bạch, có sự giám sát của cơ quan kiểm toán độc lập.

Cũng trong chiều ngày 1/12, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo về việc điều chỉnh giá điện, tại đây ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết: "Khi điều chỉnh cơ chế phù hợp thì tôi tin sẽ thu hút đầu tư vào ngành điện".

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, việc tăng giá điện đã tính đến hỗ trợ cho hộ nghèo: chính sách mức 50kW/h của bậc thang đầu tiên, theo đó các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 51.000 đồng/tháng. Đối tượng nào được hưởng thì theo quy định chung của Nhà nước. Tổng số tiền hỗ trợ là trên dưới 2500 tỷ đồng/năm".

Dưới đánh giá của chuyên gia độc lập về tăng giá điện, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho rằng: Tăng giá điện lần này có thể không gây lạm phát dù thời điểm tăng là cuối năm và việc tăng này đã được Chính phủ nắm rất kỹ.

Bán Sabeco, Nhà nước có thể thu về 9 tỷ USD

Xung quanh vấn đề thoái vốn, bán cổ phần Nhà nước tại Sabeco, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đăng đàn trả lời báo giới về nghi vấn cổ phiếu của công ty này được định giá thấp, sau định giá vài ngày giá cổ phiếu đã tăng vọt, điều này khiến dư luận đặt nghi ngờ về thất thoát tài sản Nhà nước trong định giá.


Bộ Công Thương khẳng định bán Sabeco sẽ thu được 9 tỷ USD

Bộ Công Thương khẳng định bán Sabeco sẽ thu được 9 tỷ USD

Ông Hải khẳng định: Chính vì có sự minh bạch trong xác định giá mà giá cổ phiếu Sabeco mới tăng như hiện nay. Theo ông này, mức giá khởi điểm chỉ 320.000 đồng/cổ phiếu, thời điểm 1/12, giá cổ phiếu Sabeco là 330.000 đồng/cổ phiếu, cùng với các chương trình chào bán công khai sắp tới, Bộ Công Thương dự kiến bán Sabeco sẽ thu về khoảng 9 tỷ USD, tăng gần gấp đôi dự toán ban đầu 5 tỷ USD.

Thông tin liên quan là Bộ Công an cũng vào cuộc giám sát quá trình thoái vốn Sabeco để đảm bảo quá trình này được thực hiện minh bạch, không thất thoát tài sản nhà nước và đúng luật định.

Xung quanh vấn đề thoái vốn tại ông lớn ngành bia rượu, nước giải khát, dư luận hiện lo ngại bởi Sabeco là người dẫn đầu thị trường chiếm 40% sản lượng, tiếp theo là Heineken chiếm 28%, thứ ba là Habeco chiếm 17% và người núp bóng là Carberg chiếm 9%...thì với việc ai trong số những “ông lớn” đang lăm le sở hữu 53,59% vốn điều lệ của Sabeco chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường bia nội.

BOT Cai Lậy - Tâm điểm xung đột tiếp tục dậy sóng

Sau nhiều tháng ngừng thu phí, BOT Cai Lậy (Tiền Giang) hoạt động trở lại vào ngày 30/11, tuy nhiên, suốt những ngày qua nhiều lần phải xả trạm thu phí do người điều khiển phương tiện phản ứng trả tiền lẻ mệnh giá thấp, gây ùn tắc tuyến đường huyết mạch.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy lại nóng
Trạm thu phí BOT Cai Lậy lại nóng

Liên quan đến diễn biến sự việc, Bộ GTVT cho biết đang tìm giải pháp tháo gỡ xung đột, trong đó có tuyên truyền, giải thích cho người dân. Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định sẽ đối thoại và tìm giải pháp với người dân, ông này cho biết để đảm bảo khách quan, công tâm hiện đang có 107 đoàn giám sát, kiểm tra đối với dự án Cai Lậy.

Chỉ đạo về vấn đề đang nóng dư luận này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ GTVT sớm có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ để đánh giá toàn diện. Thủ tướng nêu rõ không để kéo dài tình trạng ở BOT Cai Lậy .

Xử nghiêm việc tráo máy Nhật thành "ruột" Trung Quốc phát cho hộ nghèo

Xung quanh vụ việc gây bức xúc dư luận tại Bình Thuận xảy ra đầu năm 2017 khi chính quyền địa phương, kết hợp với nhà cung cấp máy nông cụ trao cho người dân hơn 300 mát cắt cỏ, máy bơm nước... theo chính sách hỗ trợ người nghèo của Chính phủ. Tuy nhiên, sau niềm vui nhận máy hỗ trợ, người dân buồn và bực tức vì máy móc Nhật bị làm giả từ máy móc Trung Quốc kém chất lượng.

Máy Nhật nhưng chỉ nhãn mác Nhật, còn ruột Trung Quốc
Máy Nhật nhưng chỉ nhãn mác Nhật, còn ruột Trung Quốc

Chỉ đạo mới đây của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là phải xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức đánh tráo hàng nói trên, đồng thời yêu cầu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nghi vấn xe Audi "mang danh" xe APEC bán thanh lý, Hải quan nói gì?

Trong tuần, Tổng cục Hải quan cũng trả lời về nhiều thông tin đồn đại về việc nhà cung cấp hơn 400 xe hơi cao cấp thương hiệu Audi cho Hội nghị cấp cao APEC (diễn ra tại Đà Nẵng, tháng 11) đã nhập cả xe cũ, xe mới cùng theo lô, gắn mác xe APEC với cơ chế thuế ưu đãi để nhập về Việt Nam bán trong nước. Đồng thời, hiện dư luận cũng đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc bán thanh lý hàng trăm chiếc Audi có minh bạch, công khai và nộp thuế đủ hay không?

Nghi vấn xe Audi mang danh xe APEC hưởng thuế
Nghi vấn xe Audi "mang danh" xe APEC hưởng thuế

Lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết: Toàn bộ số xe được nhập về đều do Tiểu ban hậu cần APEC quản lý chứ không phải do doanh nghiệp và quản lý rất chặt chẽ. Trong thời gian này, DN hoàn toàn có thể nhập xe về để kinh doanh bình thường nhưng không được tính trong diện xe phục vụ APEC.

Đại diện Cục Thuế khẳng định: Hiện tất cả xe Audi đang đeo biển xanh APEC, chưa được phép bán vì chờ làm thủ tục chuyển đổi từ tạm nhập, sang nhập khẩu chính thức.

Nói thêm về giá trung bình xe nhập từ Ấn Độ tăng nhanh chỉ trong 1 năm từ 90 triệu đồng/chiếc lên gần 200 triệu đồng/chiếc, nhiều nghi vấn báo cáo trị giá sai lệch, trốn thuế diễn ra, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu khẳng định: giá tăng là do điều chỉnh dòng xe nhập, ngoài ra xe nhập nguyên chiếc từ Ấn Độ không còn dòng giá thấp như trước đây. "Việc khai tăng, giảm chưa thể hiện rõ ý đồ gì cả, đây mới chỉ là những dấu hiệu nghi ngờ", ông Tưởng nói.

Xe cũ gánh thuế nặng, xe trong nước có cơ hội giảm

Trong tuần, thông tin gây chú ý đối với người chơi xe làthuế nhập khẩu linh kiện ô tô theo Nghị định 125 của Chính phủ sẽ về 0% đối với dòng xe dung tích xi lanh thấp dưới 2.000 cc trở xuống.

Xe lắp ráp trong nước được ưu đãi thuế nhập linh kiện 0%
Xe lắp ráp trong nước được ưu đãi thuế nhập linh kiện 0%

Tuy nhiên để được hưởng thuế 0%, các doanh nghiệp xe trong nước phải đáp ứng các tiêu chí về sản lượng, nội địa hóa theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính. Trường hợp được hưởng ưu đãi thuế nhập linh kiện bằng 0%, mà không thực hiện nội địa hoá, cam kết sản xuất sản lượng lớn chắc chắn sẽ bị truy thu số thuế như hiện hành.

Bên cạnh cơ chế ưu đãi kiểu "lạt mềm, buộc chặt" với thuế linh kiện, Nghị định 125 cũng quy định đánh thuế, phí nặng đối với xe cũ nhập nguyên chiếc, trong đó mức thuế cố định, thuế đánh vào xe cũ tăng mạnh so với trước. Với ước tính giá xe cũ nhập về chịu thuế cao, nhiều người cho rằng có thể đây là chính sách chặn đường xe cũ về Việt Nam.

An Linh

(Tổng hợp)